VAFI: Bênh Vũ Quang Hải, Bộ Công Thương đang bảo vệ cái sai của bộ này
(Dân trí) - Cho rằng Bộ Công Thương đang cố tình trì hoãn tiến độ niêm yết các doanh nghiệp do bộ này quản lý, VAFI cũng đưa ra cảnh báo, đây chính là điều kiện để xảy ra những vụ bổ nhiệm con cháu, người thân. Trong khi đó, với vụ bổ nhiệm con trai ông Vũ Huy Hoàng, độc giả nhận định, có tình trạng "trồng cây không cần gốc" ở Bộ Công Thương, là "kẽ hở để luồn con cháu vào sâu nắm quyền lực và buộc xã hội phải chấp nhận việc đã rồi".
VAFI khẳng định việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải là "sai luật"
Sau khi công bố phản hồi của Bộ Công Thương về những vấn đề bổ nhiệm nhân sự, cụ thể là vụ việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải vào các vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp thuộc Bộ và cơ quan Bộ, đến sáng nay (18/6), ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân Trí.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, những ý kiến của Bộ Công Thương mới đây là đang bảo vệ cho những cái sai của bộ. "Bây giờ cứ cãi nhau đôi co thì không giải quyết được vấn đề gì và chúng tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian. Vì vụ bổ nhiệm Vũ Quang Hải vi phạm Luật Doanh nghiệp và Luật Phòng chống tham nhũng nên dự kiến chúng tôi sẽ gửi văn bản đến các cơ quan soạn thảo luật (Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thanh tra Chính phủ - PV) để có sự phán xét công bằng, chính xác hơn".
Trao đổi với Dân Trí sáng nay, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Nội vụ đang kiểm tra vụ việc bổ nhiệm đối với ông Vũ Quang Hải.
Nguồn tin từ Bộ Công Thương mới đây cũng đã tiết lộ với Dân Trí, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã bắt đầu làm việc tại bộ này để làm rõ về một số vấn đề trong quá trình bổ nhiệm nhân sự dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Trong đó, trường hợp bổ nhiệm đối với ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng), thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Rượu bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một trong những trọng tâm của đợt kiểm tra. Bên cạnh đó, diện kiểm tra rà soát còn bao gồm cả việc bổ nhiệm một số nhân sự quan trọng tại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ.
Nói với Dân Trí, Phó Chủ tịch VAFI bình luận thêm rằng, với tư cách là người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng chỉ là một cổ đông và có trách nhiệm phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp. "Tuy nhiên, có một số cá nhân lạm dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước để làm sai luật", ông này nói.
Trong văn bản phản hồi mới đây của Bộ Công Thương, cơ quan này cho bết, năm 2012, 2015, 2016, Bộ Công Thương đã 4 lần báo cáo Thủ tướng các phương án thoái vốn Nhà nước tại Sabeco. Đồng thời thừa nhận “việc chậm xin phép Chính phủ cho Sabeco niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư”. Bộ Công Thương cũng cam kết, thời gian tới, bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét cho Sabeco được niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải thì Bộ Công Thương, trong vấn đề này, không cần phải xin phép lên Thủ tướng và thực ra là bộ đang cố tình "trốn niêm yết".
"Quyết định 51 của Chính phủ đã quy định là doanh nghiệp cổ phần hóa xong thì sau 1 năm phải niêm yết. Thế nhưng Bộ Công Thương vẫn rất chậm trễ mà đúng hơn là cố tình chậm trễ", ông Hải nhận xét.
Đồng thời, vị này cũng cho rằng, chính việc né tránh niêm yết, không minh bạch thông tin sẽ là điều kiện để xảy ra nhiều vấn đề khác trong quản trị, nhân sự. Không minh bạch thì sẽ còn chuyện bổ nhiệm người thân, người nhà vào quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Công Thương bổ nhiệm nhân sự theo kiểu "trồng cây không cần gốc"?
Sau khi Dân Trí đăng tải thông tin phản hồi của Bộ Công Thương với VAFI về vấn đề nhân sự, nhiều độc giả cho biết vẫn chưa thỏa mãn với trả lời của bộ.
Cụ thể, độc giả Đỗ Văn Phóng đặt câu hỏi, Bộ Công Thương giao hàm Phó Vụ trưởng cho 6 kiểm soát viên nhưng không hưởng phụ cấp, không tham gia điều hành ở cương vị được giao thì chẳng nhẽ "giao cho oai"? Độc giả Le Thanh Tung cũng thắc mắc: "Thật sự không hiểu công việc của kiểm soát viên là làm những gì mà cần hàm Phó Vụ trưởng".
Độc giả Phamdinhmui đặt vấn đề: "Nếu ông Vũ Quang Hải không được Bộ Công Thương giao trách nhiệm là người đại diện vốn Nhà nước ở Sabeco thì việc điều động ông Hải về Sabeco tham gia HĐQT và giới thiệu bầu Phó Tổng giám đốc ở Sabeco có tính chất gì?". Bên cạnh đó, độc giả này cũng cho rằng, việc Bộ Công Thương viện dẫn Nghị quyết của Ban cán sự Đảng và Văn bản 651/TTg xung quanh những vấn đề liên quan ở Sabeco là chưa thật sự thuyết phục.
Độc giả Nguyễn Chí Thanh cho rằng, văn bản của Bộ Công Thương đã không đề cập việc ông Hải là con cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Sabeco như đã nói ở trên có đúng luật hay không? "Cứ cho là đúng quy trình nhưng lại phạm luật, mà trong báo cáo của Bộ Công Thương lại không đề cập chi tiết này. Vì sao?"
Trong khi đó, theo độc giả Minh Quân, cái sai từ năm 2013 khi Bộ Công Thương bổ nhiệm ông Hải vào làm kiểm soát viên tại Vinataba và làm tiền đề cho những chức vụ cao hơn sau này cho thấy đây là việc "trồng cây không cần gốc" và là "kẽ hở để luồn con cháu vào sâu nắm quyền lực và buộc xã hội phải chấp nhận việc đã rồi". Độc giả Hung Nguyen cảm thán: "Tuyển công chức theo kiểu này thì làm gì có hiền tài trúng tuyển..."
Ngoài ra, nhiều độc giả cho rằng, sẽ rất khó để ông Vũ Quang Hải thăng tiến nhanh trong sự nghiệp, được giao nhiều trọng trách quan trọng tại các doanh nghiệp Nhà nước trong khi tuổi đời chưa đầy 30, kinh nghiệm chưa nhiều... nếu như ông Hải không phải là con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Bích Diệp