1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Từ vụ ông Vũ Huy Hoàng: "Nếu xử lý được khi đương quyền..."

(Dân trí) - "Điều tôi muốn nói nhiều hơn là làm sao ta phải xử được khi người ta đương quyền thì mới ngăn chặn được hậu quả. Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh này nên coi việc làm này khởi động cho việc không phải là xử lý hậu quả mà ngăn chặn hệ quả tiêu cực!", đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu quan điểm về việc cách chức ông Vũ Huy Hoàng.

Tuần trước, Ban Bí thư đã chính thức ban hành kết luận cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Sau quyết định kỷ luật về đảng, thực hiện kết luận của Ban Bí thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan để thống nhất quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (ảnh: Việt Hưng)
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (ảnh: Việt Hưng)

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (7/11), đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) cho biết, bản thân ông cũng như toàn bộ người dân đều hoan nghênh trước quyết định "cách chức" ông Vũ Huy Hoàng dù ông này đã về hưu.

Tuy nhiên, ông Quốc cũng cho rằng, không nên cho rằng đây chỉ là trường hợp ngoại lệ, điển hình - có nghĩa chỉ làm trường hợp này thôi mà không làm trường hợp khác nữa. Điều quan trọng là phải xây dựng thành hệ thống pháp luật, có quy định cụ thể về việc "cách chức" đối với một người đã hết chức từ lâu.

"Điều tôi muốn nói nhiều hơn là làm sao ta phải xử được khi người ta đương quyền thì mới ngăn chặn được hậu quả. Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh này nên coi việc làm này khởi động cho việc không phải là xử lý hậu quả mà ngăn chặn hệ quả tiêu cực!", ông Quốc nêu quan điểm.

Vị đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra băn khoăn về "dấu ấn của Quốc hội" trong hoạt động của Chính phủ, cho rằng, Quốc hội cần "soi lại" và tăng cường hơn nữa chức năng giám sát, quyền lực giám sát tối cao của mình. Riêng về cá nhân ông Vũ Huy Hoàng, ông Quốc nhìn nhận đại biểu Quốc hội có phần trách nhiệm vì trong nhiệm kỳ ông Hoàng làm Bộ trưởng, ông này vẫn được các đại biểu Quốc hội khóa XIII bỏ phiếu "tín nhiệm cao".

"Ta cứ lùi lại sự kiện, nếu không bắt đầu từ chiếc xe biển xanh của Trịnh Xuân Thanh thì có xuất hiện vấn đề Trịnh Xuân Thanh không? Nếu không đi từ vụ việc Trịnh Xuân Thanh thì có ra vấn đề ông Vũ Huy Hoàng không?", ông Quốc băn khoăn.

Do vậy, quan điểm của vị đại biểu: "Trong vụ việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng thì điều quan trọng là phải đừng để xảy ra để giải quyết hậu quả. Nếu chỉ giải quyết hậu quả mang tính đặc thù, điển hình, chỉ làm một lần thì những người khác đã về hưu ở những lĩnh vực khác có làm nữa không? Tôi rất ủng hộ những việc làm nghiêm khắc, nhưng phải bài bản, trước hết phải tuân thủ luật pháp và không coi là điển hình".

Ngoài ra, vị đại biểu cũng đưa ra góp ý, trong việc trừng trị những người sai cũng phải rút kinh nghiệm những người để dung túng cho cái sai đó, cấp trên phải có sự giám sát và có trách nhệm với cấp dưới, với thành viên.

Bích Diệp