1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trên 75% nợ công trong nước của Việt Nam đáo hạn trong 3 năm tới

(Dân trí) - Theo đánh giá của WB, Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào nợ trong nước. Mặc dù điều này làm giảm áp lực rủi ro tỷ giá nhưng lại làm tăng lãi suất bình quân và rút ngắn đáng kể kỳ hạn của nợ công. Nếu không cải thiện tình trạng tài khóa, lộ trình nợ sẽ sớm đưa Việt Nam rơi vào vùng rủi ro về áp lực nợ

Thông tin được chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại buổi đối thoại cấp cao về cải cách chi tiêu công của Nhóm đối tác tài chính công, được thực hiện bởi Bộ Tài chính và WB diễn ra trong sáng nay (3/6) cho thấy, chi trả lãi hiện nay chiếm tới 8% tổng thu của Chính phủ và trên 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong ba năm tới.

Toàn cảnh buổi đối thoại diễn ra sáng nay (3/6)
Toàn cảnh buổi đối thoại diễn ra sáng nay (3/6)

Phát biểu tại phiên đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, những khó khăn vĩ mô đang đặt ra nhiều thách thức cho cải cách tài chính công, làm gia tăng bội chi ngân sách và làm tăng tỷ lệ nợ công, tăng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) ở cả trung ương và địa phương.

Hơn nữa, việc thực hiện cam kết hội nhập ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu. Do đó, cơ cấu lại ngân sách là cần thiết.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia cấp cao từ WB đánh giá, dư nợ của Việt Nam tăng do bội chi ngân sách liên tục và những hoạt động lớn ngoài ngân sách. Đáng chú ý là nghĩa vụ nợ dự phòng lớn liên quan đến khu vực ngân hàng và nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) càng làm trầm trọng hơn nguy cơ dễ bị tổn thương với lộ trình nợ hiện nay. Gánh nặng trả nợ tăng lên và rủi ro đảo nợ cho thấy nhu cầu phải kiềm chế tài khóa.

Thực tế cho thấy, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nợ trong nước. “Mặc dù điều này làm giảm áp lực rủi ro tỷ giá nhưng lại làm tăng lãi suất bình quân và rút ngắn đáng kể kỳ hạn của nợ công”, vị chuyên gia lưu ý. Điều này dẫn đến chi trả lãi hiện nay đã chiếm tới 8% tổng thu của Chính phủ và có trên 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.

Trong khi đó, cơ cấu chi đã thay đổi đáng kể theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Cụ thể, chi đầu tư đã giảm về tỷ trọng nhưng vẫn ở mức cao; chi trả lãi đang tăng lên; chi thường xuyên ngoài chi trả lãi cũng tăng về tỷ trọng; chi lương tăng lên cả do yếu tố tăng biên chế và tăng lương.

“Nếu không cải thiện tình trạng tài khóa hiện nay, lộ trình nợ sẽ sớm đưa Việt Nam rơi vào vùng rủi ro về áp lực nợ”, ông Sebastian cảnh báo.

Do đó, để đảm bảo tài khóa bền vững, cần đảm bảo bền vững tài khóa. Từng bước giảm nợ công qua kết hợp cân đối các biện pháp thu - chi. Tối ưu hóa chi phí và kỳ hạn nợ công, bao gồm cả đẩy mạnh giải ngân vốn vay ODA trong ngắn hạn và tìm kiếm các nguồn vốn thay thế khác ở cả trong và ngoài nước. Phối hợp giữa quản lý nợ và ngân quỹ, quản lý tài sản có và tài sản nợ; tăng cường quản lý rủi ro tài khóa.

Chuyên gia WB cũng khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường nguồn thu và hành thu trên cơ sở ổn định và tăng dần tỷ lệ thu trên GDP nhằm góp phần củng cố tài hóa. Tăng cường thuế gián thu qua cải cách thuế GTGT và tiêu thụ đặc biệt; rà soát và từng bước hợp lý hóa các hình thức miễn, giảm, ưu đãi thuế nhằm mở rộng cơ sở thu từ thuế cho thuế TNDN và làm cho môi trường thuế trở nên công bằng hơn…

Góp phần tham luận, bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của WB nhận xét, tình hình hiện nay cho thấy, Việt Nam cần phải có kế hoạch củng cố tài khóa trong trung hạn.

Theo bà Kwakwa, mặc dù rủi ro của việc báo động nợ còn mức thấp song nợ công đang tăng lên cao. Với mục tiêu đảm bảo thâm hụt ngân sách, giảm xuống mức 4% trong năm tới thì cần phải có biện pháp quyết liệt để tăng thu ngân sách và hiệu quả chi tiêu.

Bích Diệp

Trên 75% nợ công trong nước của Việt Nam đáo hạn trong 3 năm tới - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm