TPHCM mới chỉ là “toa tàu” chứ chưa là “đầu tàu” kinh tế
(Dân trí) - “Các đô thị lớn trong khu vực có cùng xuất phát điểm, thậm chí thua so với TPHCM nhưng giờ vượt lên tầm khu vực, quốc tế. Họ kém hơn nhiều mà vượt lên được. Sao ta có nhiều lợi thế mà không thèm vượt? Phải chăng lợi thế quá nhiều vô tình kìm hãm sự phát triển của TPHCM?”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam băn khoăn.
Tại hội thảo “TPHCM – Khát vọng vươn lên” do báo Tuổi trẻ tổ chức hôm qua (19/5), rất nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã được nêu ra để “vạch đường đi nước bước” đưa “Hòn ngọc Viễn Đông” xứng tầm khu vực.
Nhiều lợi thế mà sao không phát triển?
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, TPHCM nên đặt mình ở tầm nhìn quốc tế chứ không đơn thuần chỉ là trong khu vực. TPHCM có đủ những điều kiện để vươn tầm. Hơn bao giờ hết, lúc này là thời cơ cho vươn lên, nếu “cờ đến tay mà không phất” thì sẽ lỡ nhịp.
Ông Thiên dẫn ra hàng loạt ví dụ so sánh để thấy TPHCM có nhiều lợi thế hơn các đô thị khác trong khu vực. Những đô thị mang tầm châu lục hiện nay đều có xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với TPHCM như Singapore, Thẩm Quyến (Trung Quốc). Thậm chí, Dubai trước kia chỉ là sa mạc, đất cát mênh mông; Phố Đông chỉ là bãi bùn bên cạnh Thượng Hải hoa lệ.
Từ những dẫn chứng trên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, không nên tự hào với sự phát triển ngoạn mục mà chúng ta hay nói lâu nay. Phải thẳng thắn nhìn nhận, TPHCM cũng tụt hậu sâu hơn so với các thành phố, đô thị trong khu vực.
Ông Thiên cho rằng, TPHCM thực sự chưa phát triển tương xứng với tầm vóc của trung tâm kinh tế đầu tàu phía Nam và cả nước. Hiện nay, TPHCM không còn chạy như một đầu tàu thực sự mà chỉ như một toa tàu.
“Đất nước bước vào nhịp phát triển mới mà TPHCM không vượt lên thì không được. Hãy nhìn xem, các đô thị lớn trong khu vực có cùng xuất phát điểm với TPHCM, thậm chí thua mà giờ vượt lên TPHCM. Họ kém hơn nhiều mà vượt lên được, tại sao họ vượt lên được? Sao ta có nhiều lợi thế mà không thèm vượt? Họ vượt lên được vì họ chọn được đúng hướng với xu thế thời đại, biết đẩy mạnh cải cách thể chế. TPHCM đổi mới mạnh thế sao mà chậm vậy? Phải chăng lợi thế kìm chúng ta?”, ông Thiên đặt ra hàng loạt câu hỏi nóng.
TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Fulbright cho rằng, TPHCM đang gặp “trục trặc” ở ngân sách quá eo hẹp, đội ngũ công chức thiếu động cơ và công cụ làm việc…
Trong khi đó, TS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore dẫn chứng, thành công của Singapore chính là chiến lược, biết đưa đội ngũ cán bộ đi đúng luồng cá chạy thì tha hồ bắt, chứ không như đi vào sa mạc, đánh cả ngày không ra con cá nào.
TS Khương tin tưởng Việt Nam sẽ là tâm điểm của sự trỗi dậy, là điểm tựa của khu vực nhưng cái quan trọng là chiến lược như thế nào. TPHCM phải có “hy vọng, hội tụ, hào kiệt” chứ không lèo nhèo. Cái khác giữa Singapore và Việt Nam chính là Singapore khi thành công thì họ hướng đến thành công khác chứ không như chúng ta khi tạm hài lòng đã nghĩ đến uống rượu mừng.
“Riêng cái vụ một số nhà toàn xuyệt thì rõ ràng là dấu hiệu không đổi mới. Đừng quá dễ dài với môi trường, mà hãy gạt qua lợi ích cá nhân (?) và xây dựng ý chí chiến lược thì mới phát triển được”, TS Khương nói.
Phát huy hào khí Nam bộ
TS Huỳnh Thế Du cho rằng, để TPHCM bứt phá thành công, xứng tầm khu vực thì trước tiên phải có tiền. “Có thực mới vực được đạo”, ý tưởng bay bổng mà không có tiền thì mới ra trạng thái như ngày hôm nay. Nếu có 30-40 tỷ USD thì TPHCM sẽ khác so với bây giờ. Mặt khác, TPHCM bây giờ có quá nhiều “vòng kim cô”. Theo TS Du, phải cởi cái “vòng kim cô” đó thì TPHCM mới phát triển, và nhất là đổi mới tư duy bổ nhiệm đội ngũ công chức. Không nên duy trì bổ nhiệm theo cơ chế không sai.
“Phải có cái nhìn vượt đại dương. Việc cần làm ngay là tạo dựng và định hướng kỳ vọng của công chúng theo hướng tích cực, thực tế; đột phá thận trọng và khơi lại tính tiên phong cũng như khả năng dẫn dắt, thực hiện bằng được liên kết vùng với vai trò anh cả, anh hai của TPHCM”, TS Huỳnh Thế Du nói.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để phát triển ngoạn mục thì các đô thị lớn đều biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế và là địa chỉ hội tụ sức mạnh quốc tế. Các thành phố lớn này đều tạo thành thể chế vượt trội, có khát vọng hiện đại hoá mạnh mẽ dù mỗi nơi phát triển theo cách riêng, không đi theo, copy.
TPHCM thời gian qua chưa tận dụng hết các lợi thế, thậm chí lợi thế tuyệt đối như tiếp cận thế giới, nhân lực, công nghệ… Nguyên nhân là chúng ta chưa có đủ tầm nhìn để vượt lên theo kiểu Singapore là vẽ chân dung cho mình; muốn bứt lên mà chưa chủ động, về cấu trúc thể chế, chức năng đầu tàu không rõ, không khác gì toa tàu.
“Lợi thế đặc biệt của TPHCM chính là con người Nam bộ với tinh thần khai phá và chinh phục, nghĩa khí. Có nghĩa khí thì dễ dàng hội tụ sức mạnh. Tinh thần mạo hiểm gắn với sáng tạo thì không đâu bằng TPHCM. Phải biến TPHCM thành trung tâm sáng tạo khởi nghiệp, kết nối người Việt mà đặc biệt là người TPHCM ở nước ngoài; phát huy cộng đồng người Hoa ở TPHCM bởi họ có năng lực kinh doanh sức mạnh để làm sức mạnh hội nhập”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Công Quang