1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Áp sai thuế nhập khẩu xăng dầu:

"Tiền không trả lại được cho dân, vẫn phải thu hồi"

“Việc nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác ngoài Hàn Quốc, ASEAN làm tổn hại đến lợi ích Nhà nước, nhưng doanh nghiệp vẫn được bán giá theo mức thuế suất cao, làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng, còn doanh nghiệp thì hưởng lợi”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ khẳng định.


Áp sai thuế nhập khẩu xăng dầu làm thiệt hại đến người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Châu.

Áp sai thuế nhập khẩu xăng dầu làm thiệt hại đến người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Châu.

Với việc áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai so với cam kết quốc tế, nhiều người cho rằng, cách điều hành của liên Bộ Tài chính – Công Thương đang có vấn đề. Ông thấy sao về điều này?

Với loại hàng hóa thông thường thì phải chịu các loại thuế như: thuế nhập khẩu, VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, còn với hàng hóa đặc biệt như xăng dầu, vì tác động đến môi trường, phát thải ra khí CO2 nên phải đánh thêm thuế môi trường. Điều này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm thấp, cũng để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước vững chắc hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, cách điều hành giá xăng dầu vừa qua có vấn đề. Những năm qua, chúng ta có ký các hiệp định song phương với một số nước, ví dụ như nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN, hay Hàn Quốc thấp hơn thuế nhập khẩu xăng dầu thông thường. Nhưng chúng ta vẫn tính giá xăng dầu để điều hành theo mức thuế cao hơn mức thuế nhập khẩu từ các nước nhập khẩu thông thường.

Vậy theo ông trách nhiệm cụ thể ở đây thuộc về ai, đơn vị nào?

Ở đây có vấn đề chưa chặt chẽ về mặt pháp lý, việc định giá xăng dầu cơ sở chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhưng cụ thể hóa trách nhiệm thuộc về ai lại rất khó, vì cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều được giao nhiệm vụ xác định giá cơ sở và ban hành văn bản. Thực tế trong thời gian qua, nhiều văn bản ban hành chỉ sau một thời gian đã không còn phù hợp, thậm chí có văn bản ban hành còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Do vậy trách nhiệm của Nhà nước là tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện thể chế cho phù hợp tình hình thực tiễn.


Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp sai thuế nhập khẩu xăng dầu làm cho doanh nghiệp hưởng lợi, còn Nhà nước và người tiêu dùng lại chịu thiệt, ông nghĩ sao?

“Việc hoàn trả lại tiền cho người dân không có cơ sở pháp lý, nhưng phải tính đến việc thu hồi, mặc dù việc này không hề đơn giản, cũng không dễ gì thu được toàn bộ”. Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Việc nhập khẩu xăng dầu không phải từ Hàn Quốc, ASEAN mà là các thị trường khác làm tổn thương đến lợi ích Nhà nước, nhưng doanh nghiệp vẫn được bán giá theo mức thuế suất cao làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng. Nhà nước và người dân chịu thiệt, còn doanh nghiệp hưởng lợi nhưng không phải dựa trên việc tăng năng suất lao động hay hiệu quả kinh doanh. Điều này do chưa tính đến việc chúng ta đã ký nhiều cơ chế về thuế suất khác nhau, nên cần phải sửa đổi, điều chỉnh để bảo đảm lợi ích giữa ba chủ thể đó.

Trong trường hợp nếu báo chí và dư luận phản ánh đúng, người dân đang bị “móc túi” thì cơ quan nào đó có thể hoàn trả lại tiền cho người tiêu dùng, hoặc có thể truy thu và đưa vào quỹ bình ổn xăng dầu không?

Có hoàn trả hay không phải phụ thuộc vào cơ sở pháp lý để xem xét xử lý. Giá xăng dầu kinh doanh do liên Bộ Tài chính – Công Thương công bố, doanh nghiệp họ lại căn cứ vào đó để thực hiện nên không thể hoàn trả trực tiếp cho người dân được. Vì việc hoàn trả cho người dân không có cơ sở pháp lý, cũng không có căn cứ nào để yêu cầu hoàn trả. Rồi xác định doanh số mua như thế nào, mức giá đền bù vào thời điểm nào cũng rất khó.

Không hoàn trả được cho người dân, nhưng chúng ta cũng phải tính đến việc thu hồi, mặc dù xác định căn cứ để thu hồi không hề đơn giản. Theo luật hiện hành cũng chỉ có thể áp từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu lợi nhuận hợp pháp thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp thuế theo Luật Doanh nghiệp, chứ không phải nộp toàn bộ khoản chênh lệch đó. Đây là vấn đề cần làm rõ nhưng không dễ gì để thu hồi được toàn bộ. Còn đối với việc thu hồi đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần làm rõ căn cứ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trước mắt, Chính phủ cần kiểm tra lại và trả lời công khai trước dư luận và nhân dân xem những gì báo chí phản ánh trong thời gian qua có đúng như vậy không? Nếu đúng phải sửa ngay việc xác định giá xăng dầu bán ra làm cơ sở điều hành cho phù hợp giữa lợi ích của ba bên.

Cảm ơn ông.

Theo Luân Dũng
Tiền Phong

"Tiền không trả lại được cho dân, vẫn phải thu hồi" - 3