Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gỡ "nút thắt" cho nông nghiệp công nghệ cao

(Dân trí) - "Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp cho Việt Nam trong tương lai", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Luôn trăn trở với sự nghèo khó

Chiều 18/12, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam – đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị thu hút hơn 500 đại biểu gồm các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tới dự.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch CLB DAA Việt Nam cho biết, Việt Nam là một đất nước với 70% người dân làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp 20% GDP trong khi ở những quốc gia phát triển khác tỉ lệ lao động chỉ chiếm 2-4% dân số nhưng đóng góp đến 40% GDP. Trước con số không mấy hài lòng như đã dẫn chứng trên, ông Bình cho rằng, mọi người dân Việt Nam đều khao khát có cuộc sống sung túc như người dân Bắc Âu.

"Tất cả mọi người Việt Nam đều mang trong mình dòng máu của người nông dân, từ nông thôn, chính vì vậy doanh nghiệp luôn trăn trở với sự nghèo khó, nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Bình nói.


Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và TPHCM ấn nút khởi động chương trình Truy xuất nguồn gốc rau an toàn cho Hà Nội và TP HCM

Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và TPHCM ấn nút khởi động chương trình Truy xuất nguồn gốc rau an toàn cho Hà Nội và TP HCM

Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp nông nghiệp mong muốn có một sợi chỉ kết nối, là nơi bắt đầu để doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các nhà khoa học, nghiên cứu bắt tay nhau, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp.

Ông Võ Quan Huy, một nông dân có tiếng về kiếm tiền tỉ tại tỉnh Long An cho rằng nền kinh tế nông nghiệp của nước ta đang còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như cá nhân ông Huy có hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh khác nhau. Tuy nhiên, do vướng quy định về hạn điền nên ông Huy phải nhờ người khác đứng tên. Và hệ quả của việc nhờ người khác đứng tên sở hữu đất nên ông Huy gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Mặt khác, hạn mức giao đất nông nghiệp hiện nay cho cá nhân và hộ gia đình chỉ từ 2 – 30 ha (tùy vùng và mục đích sử dụng) nên rất khó để tích tụ ruộng đất. Trong khi đó, những trang trại đầu tư bài bản, quy mô để có thể hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài phải tối tiểu 100ha mới mang lại hiệu quả.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Nhơn cho rằng, hiện nay, tình trạng gà lậu, gà bệnh, kém chất lượng chưa được kiểm soát nhập tràn lan nên gây khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi trong nước.

Phiên thảo luận giữa Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Phiên thảo luận giữa Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Gỡ "nút thắt" bằng... vốn

Không chỉ than thở về những bất cập trong chính sách về đất đai, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất cũng đang khó khăn khi doanh nghiệp chỉ có thể cầm cố quyền sử dụng đất để vay vốn, còn tài sản gắn liền với quá trình sản xuất nông nghiệp thì không được tính.

Chia sẻ, đồng tình với các doanh nghiệp, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, nông nghiệp Việt Nam nếu không gắn với công nghệ cao thì không thể tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, vấn đề mà đa số các doanh nghiệp nông nghiệp đều đang vướng mắc đó là tiếp cận đất đai và vốn tín dụng đang gặp khó.

Trước "bài toán" về vốn vay mà các doanh nghiệp đặt ra, ông Đào Anh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước giao cho Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Agribank ưu tiên "bơm" cho các hộ cá thể, tư nhân, hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp. Lãi suất của gói 50.000 tỷ đồng này ưu đãi 1,5% so với lãi vay thông thường.

Lắng nghe và chia sẻ cùng các khó khăn của các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, Thủ tướng chính phủ khẳng định sẽ "cởi trói" vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Ngay lập tức, chỉ đạo thêm 5 ngân hàng thương mại lớn thực hiện cho vay vốn ưu đãi lãi suất, tạo điều kiện thông thoáng cho các đối tượng vay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chứ không chỉ Agribank.

Thủ tướng cũng cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước. Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là việc làm bức thiết, nhằm từng bước đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Thủ tướng tham quan các gian hàng của các thành viên DAA tại hội nghị
Thủ tướng tham quan các gian hàng của các thành viên DAA tại hội nghị

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, tạo ra rào cản kỹ thuật, không để nhập khẩu thực phẩm giá rẻ tràn lan, nhất là thịt gà từng bộ phận. Thủ tướng cho biết, sẽ trình Quốc hội sửa điều 193 Luật Đất đai và sửa Thông tư 53 của Bộ Tài nguyên & Môi trường để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tích trữ ruộng đất, tạo thuận lợi cho việc làm khu công nghiệp nông nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất công cụ, chế tạo máy móc phục vụ cho sản xuất, tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Chính phủ cũng đang nghĩ đến việc thành lập ngân hàng quỹ đất, để giải quyết thống kê và xử lý những vấn đề liên quan đến cấp, thu hồi quyền sử dụng đất trong thời gian tới.

"Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp cho Việt Nam trong tương lai", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Công Quang