Thứ trưởng chưa bị kỷ luật và chuyện quan chức "giàu khủng" nhờ nuôi lợn
(Dân trí) - Bộ Công Thương tuần qua cho biết, cho đến nay vẫn chưa có phương án xử lý kỷ luật đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Trong khi đó, trước thông tin nhiều cán bộ khi kê khai tài sản giải trình tài sản được hình từ nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm...ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho rằng, đây là những lời giải thích bất hợp lý.
Tuần qua, độc giả cũng dành sự quan tâm đến việc liệu có nên cho phá sản dự án yếu kém ngành công thương, 40 tỷ USD để làm 10 dự án đường sắt đô thị, Bộ Tài chính phát hiện hàng loạt sai sót của các công ty xổ số...
Chưa có phương án xử lý kỷ luật Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Liên quan tới kết luận của Uỷ ban Kiểm tra trung ương về những sai phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, tại phiên họp báo thường kỳ diễn ra sáng 14/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chiều 13/7, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đã họp với Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương để thông báo về kết luận kiểm tra này.
Theo ông Hải, "Hiện Ban cán sự Đảng ủy cũng như Chị bộ mà Thứ trưởng Thoa đang sinh hoạt đang thực hiện rất nghiêm túc theo đúng kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Sau này, có kết luận như thế nào sẽ có thông báo rộng rãi". Như vậy, cho đến nay, vẫn chưa có phương án xử lý kỷ luật đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
Giàu khủng từ nuôi lợn: Tịch thu tài sản không nguồn gốc?
Trước thông tin nhiều cán bộ khi kê khai tài sản giải trình tài sản được hình từ nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm...ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng đây là những lời giải thích bất hợp lý.
Ông Đạt phân tích: "Đây là cách giải thích nguồn gốc tài sản của một số cán bộ khi có yêu cầu làm rõ sự tăng giảm của tài sản đã được kê khai từ trước năm 2013. Điều quan trọng là tài sản tăng giảm phải có nguồn gốc, vì thế nếu giải thích là do nuôi lợn, nuôi gà, trúng xổ sổ kiến thiết... cũng được.
Thế nhưng, giải thích phải hợp lý. Nếu nuôi gà, nuôi lợn thì một năm được lãi 100 triệu -200 triệu đồng còn chấp nhận. Nếu có được hàng chục tỷ đồng thì không ai tin". Do đó, theo ông Đạt, chắc chắn ở đây có dấu hiệu bất bình thường, không trung thực.
Tới đây khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng, Cục có đề nghị những diện cán bộ trước khi được bổ nhiệm hoặc đang được cân nhắc bắt buộc phải xác minh tài sản, coi đó là điều kiện để đề bạt, không để như trước kia nữa. Cần mở rộng đối tượng kê khai là vợ con, người thân của cán bộ công chức bởi thực tế đang có chuyện chuyển tài sản cho người thân.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên ĐBQH khóa XIII bật thốt lên: "Làm sao tin được rằng bán mấy cây chổi bông đót, chạy xe ôm... mà xây được biệt phủ hoành tráng?". Lấy cá nhân mình làm minh chứng, ông Sơn cho biết, cách đây mấy chục năm, khi đi bộ đội về, ông đã làm đủ thứ nghề, từ nuôi lợn đến bóc lạc, may quần đùi, váy trẻ con đi giao cho các chợ...
"Tôi hùng hục dệt len, không bao giờ đi ngủ trước 12 giờ đêm. Mà tôi làm rất giỏi, thường là người đầu tiên làm các mặt hàng. Về sau, nhà tôi biến thành một xưởng sản xuất len, thuê hàng chục người dệt. Thậm chí, tôi còn đóng container hàng cho các ông chủ trên Hà Nội xuất khẩu đi nước ngoài.
Lúc tôi là thư ký đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, mỗi lần lên họp Quốc hội ở Hà Nội, tôi lại mang áo len lên bán. Có những khách ở miền Nam đóng hàng trăm chiếc áo len một lúc mỗi khi họp về làm quà.
Tôi làm dệt len suốt 10 năm trời. Quần quật như thế mà tôi không thể nào giàu lên được. Tôi chỉ đủ tiền xây một căn nhà gạch 3 tầng 53m2 trị giá 200 triệu đồng vào năm 1996. Lúc ấy số tiền này rất to, khoảng 40 cây vàng. Thế nhưng nó cũng chỉ tương đương khoảng 600 triệu đồng bây giờ".
Cổ phần hóa doanh nghiệp: “Sai thì xử, kể cả bỏ tù”
Sáng 11/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng: “Một rừng cây có một cây thối mà bảo cả rừng thối thì rất là gay. Tôi đã nói anh nào sai thì xử, kể cả bỏ tù, nhưng cứ dừng lại rồi kêu mất đất chỗ nọ, mất đất chỗ kia. Thoái vốn cũng thế.”
Liên quan tới phương án xử lý dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương tuần qua, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổ trưởng tổ công tác xử lý tại dự án thua lỗ Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) cho biết, hiện PVN đang đưa đơn vị kiểm toán vào làm việc để lấy căn cứ xử lý.
Lãnh đạo PVN - đơn vị tiếp quản Nhà máy đóng tàu Dung Quất từ Vinashin - cho rằng, phương án phá sản là tốt nhất dù phá sản thì vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khoản nợ DQS đang phải gánh. Bởi, công ty hoàn toàn không có nguồn việc trong 5 - 10 năm nữa. Việc đảm bảo công việc rất khó khăn còn về chỉ định thầu thì Chính phủ không cho phép, nên công với DQS ngày càng khó khăn.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, nguyên tắc chỉ đạo đầu tiên là làm cho dự án tốt lên, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng của từng dự án. Thứ hai là ngay lập tức các tập đoàn, tổng công ty, các chủ đầu tư, nhà máy phải nâng cao hiệu quả hoạt động.
Về phương án cho phá sản các dự án thua lỗ không thể tái khởi động, người phát ngôn của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: "Thẩm quyền cho phá sản hay không không phải của Bộ Công Thương mà là Chính phủ. Sau khi có phương án thì phải thực hiện đúng theo quy định".
Hà Nội: Cần tới 40 tỷ USD để làm 10 dự án đường sắt đô thị
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình Thủ tướng về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Với việc phát triển 10 dự án đường sắt đô thị cần tới hơn 40 tỷ USD, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho sử dụng vốn ODA, đấu giá quỹ đất chuyên dùng và đặc biệt là bổ sung quy hoạch sử dụng đất khoảng 6.000 ha để làm quỹ đối ứng cho các nhà đầu tư.
Bình quân suất đầu tư cho mỗi km đường sắt đô thị đạt 95,8 triệu USD, tương ứng 2.182 tỷ đồng, trong đó đường sắt xây cao là 80 triệu USD (1.823 tỷ đồng), xây ngầm là 170 triệu USD (3.874 tỷ đồng).
UBND Hà Nội tiết lộ 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị (tuyến tàu điện ngầm) gồm Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty cổ phần Lũng Lô 5, Công ty Mosmetrotroy (Liên Bang Nga), Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng công ty Licogi và Công ty TNHHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam và Tập đoàn Lotte Hàn Quốc.
Bộ Tài chính phát hiện hàng loạt sai sót của công ty xổ số kiến thiết
Trong văn bản gửi tới các UBND tỉnh, thành phố trung ương mới đây, Bộ Tài chính cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra tại 11 công ty xổ số kiến thiết năm 2016 và qua rà soát báo cáo tài chính năm 2016 của các công ty xổ số kiến thiết, Bộ Tài chính nhận thấy một số công ty chưa thực hiện đúng quy định về kinh doanh.
Trong đó, bao gồm các quy định về xác định vốn điều lệ, trích quỹ đầu tư phát triển, trích quỹ dự phòng rủi ro trả thưởng, quản lý chi tiêu tài chính, kỳ hạn nợ của đại lý và đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.
Bộ Tài chính yêu cầu các công ty xổ số kiến thiết quán triệt và chấp hành nghiêm túc các quy định về hoạt động kinh doanh xổ số sau khi nhận thấy một số công ty chưa thực hiện đúng quy định về kinh doanh.
Bích Diệp (tổng hợp)