1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giàu khủng từ nuôi lợn, buôn chổi đót: "Tôi không tin..."

Dẫn chứng bằng chính cuộc sống, việc làm của mình, nguyên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Sơn không tin có quan chức có tài sản khủng nhờ nuôi lợn, chạy xe ôm...

Làm hùng hục vẫn không giàu nổi

Việc nhiều cán bộ khi kê khai tài sản giải trình tài sản được hình từ nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm..., khiến ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên ĐBQH khóa XIII bật thốt lên: "Làm sao tin được rằng bán mấy cây chổi bông đót, chạy xe ôm... mà xây được biệt phủ hoành tráng?".

Lấy cá nhân mình làm minh chứng, ông Sơn cho biết, cách đây mấy chục năm, khi đi bộ đội về, ông đã làm đủ thứ nghề, từ nuôi lợn đến bóc lạc, may quần đùi, váy trẻ con đi giao cho các chợ...

Rồi cứ đến chiều thứ 7 hàng tuần, ông lại nhảy xe khách Nam Định ra Hải Phòng đánh "hàng cáy", tức hàng xách tay của thủy thủ tàu viễn dương. Đó là những máy dệt len cũ, ông mang về đánh rửa, thiếu gì thì bù vào rồi căn chỉnh, bán cho người làm len.

Khi ông còn làm cán bộ văn phòng, cả TP Nam Định, những người kinh doanh hàng len trên phố Đinh Liệt (Hà Nội) đều biết tiếng ông là người sản xuất, chế tạo các mẫu dệt len.


Nguyên ĐBQH khóa XIII Nguyễn Anh Sơn

Nguyên ĐBQH khóa XIII Nguyễn Anh Sơn

"Tôi hùng hục dệt len, không bao giờ đi ngủ trước 12 giờ đêm. Mà tôi làm rất giỏi, thường là người đầu tiên làm các mặt hàng. Về sau, nhà tôi biến thành một xưởng sản xuất len, thuê hàng chục người dệt. Thậm chí, tôi còn đóng container hàng cho các ông chủ trên Hà Nội xuất khẩu đi nước ngoài.

Lúc tôi là thư ký đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, mỗi lần lên họp Quốc hội ở Hà Nội, tôi lại mang áo len lên bán. Có những khách ở miền Nam đóng hàng trăm chiếc áo len một lúc mỗi khi họp về làm quà.

Tôi làm dệt len suốt 10 năm trời. Quần quật như thế mà tôi không thể nào giàu lên được. Tôi chỉ đủ tiền xây một căn nhà gạch 3 tầng 53m2 trị giá 200 triệu đồng vào năm 1996. Lúc ấy số tiền này rất to, khoảng 40 cây vàng. Thế nhưng nó cũng chỉ tương đương khoảng 600 triệu đồng bây giờ", ông Nguyễn Anh Sơn nhớ lại thời vất vả.

Bởi vậy, ông Sơn thấy lạ lùng và không thể nào tin được khi nhiều cán bộ, quan chức chạy xe ôm, bán chổi đót, nuôi lợn, nuôi gà có mấy năm mà xây được biệt thự hàng chục tỷ đồng.

Nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chia sẻ thêm: "Có thời điểm tôi làm cán bộ văn phòng, nếu tính thu nhập của tôi ở nghề dệt len so với lương chủ tịch tỉnh thì lương của chủ tịch tỉnh chưa là gì.

Dù chức vụ trưởng đoàn ĐBQH của tôi không kém gì với bí thư, chủ tịch tỉnh nhưng giờ về xem tài sản nhà tôi với họ, người ta vô cùng ngạc nhiên vì nhà tôi vẫn ở ngõ trong cùng, bán không ai mua.

Giờ buổi sáng tôi hay ăn phở. Ra ngồi trà đá vỉa hè, người ta cứ thắc mắc tôi cũng là quan hàng tỉnh mà suốt ngày lọc cọc cưỡi xe máy cà tàng, trong khi nhiều quan chức về hưu mua ô tô chạy cho khỏi nắng mưa.

Trở lại với việc một số cán bộ giải trình về tài sản khủng, tôi không thể nào tin được và tôi dẫn chứng bằng cuộc sống của tôi, việc làm của tôi.

Những người đi giải trình như vậy rất coi thường dư luận. Nếu cứ như lời quan chức đó giải trình thì tất cả những người lao động đang chạy xe ôm, có người chạy xe ôm cả đời, có khi họ có đến mấy biệt thự".

Lồng bàn úp voi

Từ câu chuyện trên, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng có nhiều lỗ hổng trong việc kê khai tài sản cán bộ, công chức ở Việt Nam. Ông ví von, việc kê khai này giống như cái lồng bàn úp con voi.

"Dù làm cách này hay cách khác, cái lồng bàn cũng không bao giờ úp hết được con voi. Điều quan trọng là luật của Việt Nam không có sự ràng buộc, kiểm tra trên thực tế, không có quy định xem cán bộ khai như thế có đúng không", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông kể thêm, trước đây, khi ông làm ĐBQH, lúc phê chuẩn các chức danh của Chính phủ, ông vô cùng thương những chính khách lỗi lạc nhưng tài sản chẳng có gì, thậm chí "không bằng mấy anh le ve" ở địa phương ông.

"Ở các quốc gia khác, bất cứ ai tiêu một đồng là cơ quan thuế đều biết. Họ có chế định rõ ràng và công khai, có biến động trong tài khoản là họ nắm được, thông qua thuế, các chứng từ, xử lý về mặt chi tiêu... Còn ở Việt Nam chẳng ai biết.

Thế nên, kê khai tài sản phải đi kèm với việc kiểm tra sự kê khai đó có đúng không. Đừng để cho dư luận phải thốt lên không thể tin được khi nghe quan chức kê khai", ông Nguyễn Anh Sơn lưu ý.

Bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII: Đa số người dân biết đánh giá...

Chủ trương kê khai tài sản là hoàn toàn đúng nhưng việc tổ chức thực hiện còn mang tính chất hình thức

Thực tế cho thấy, một số cán bộ khai không trung thực, không có thẩm định, chịu trách nhiệm xem việc kê khai đó có đúng hay không, cũng không có cơ quan giám sát.

Rất nhiều vụ tham ô, tham nhũng, tài sản bất minh đều do báo chí phát hiện, quần chúng tố cáo, còn các tổ chức quản lý cán bộ thì không biết.

Người kê khai tài sản phải chịu trách nhiệm về những gì mình kê khai và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm về cấp dưới của mình nếu khai không trung thực.

Đừng tưởng rằng dân trí thấp, nói gì cũng nghe. Cán bộ phải tôn trọng người giám sát mình.

Đại đa số người dân biết đánh giá đúng mức, công bằng, khách quan, và cán bộ hãy giải trình công khai, minh bạch, hợp lý để người dân phán xét.

Cán bộ nói và làm phải phù hợp, thống nhất với thực tiễn thì dân mới tâm phục khẩu phục. Nếu không, dù có công bố trên báo đài thì người dân vẫn không tin, mà khi mất lòng tin thì sẽ mất nhiều thứ.


Theo Thành Luân
Đất Việt