Thu hút FDI - thách thức lớn nhất năm 2017 của kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - Theo các chuyên gia của Market Intello, mặc dù trong tháng 1/2017, lượng vốn FDI đăng ký cũng như thực hiện đều tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2016, song trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và các nước phát triển và TPP rơi vào bế tắc, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút FDI.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Market Intello vừa công bố cho thấy, trong năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.

Theo đó, báo cáo của Market Intello cho rằng, tương lai của TPP ngày càng mịt mờ khi Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định này. Sự kiện trên làm ảnh hưởng nặng nề tới tương lai của hiệp định khi riêng nền kinh tế Mỹ đã chiếm tới 60% tổng GDP của các nước thành viên.

Trong khi Úc vẫn khuyến khích việc thực hiện hiệp định với các thành viên còn lại, Nhật Bản lại cho rằng, TPP sẽ không còn ý nghĩa nếu Mỹ không tham gia.

Đối với Việt Nam, các chuyên gia của Market Intello đánh giá, sự thất bại của TPP sẽ khiến Việt Nam mất đi cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn bậc nhất và sẽ phải dần chuyển sang ưu tiên đàm phán thương mại song phương, đặc biệt là với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự thất bại của TPP sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận thị trường của Việt Nam cũng như dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam (ảnh: DNSG)
Sự thất bại của TPP sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận thị trường của Việt Nam cũng như dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam (ảnh: DNSG)

Theo báo cáo, thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 sẽ là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Mặc dù trong tháng 1/2017, lượng vốn FDI đăng ký cũng như thực hiện đều tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2016 (vốn đăng ký và thực hiện trong tháng 1/2017 ước tính lần lượt đạt 1.244 triệu USD và 850 triệu USD, tăng 23% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2016). Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và các nước phát triển và TPP rơi vào bế tắc, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút FDI.

Do đó, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia Market Intello cũng bày tỏ lo ngại, xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi các rủi ro quốc tế. Theo đó, sự kiện Brexit kể từ sau tháng 3/2017 sẽ bắt đầu định hình rõ ràng ảnh hưởng đối với nền kinh tế Eurozone, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Ngoài ra định hướng chính sách thương mại không rõ ràng của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại của các nền kinh tế đang phát triển hiện phụ thuộc nhiều vào xu hướng toàn cầu hóa.

Việc nguồn vốn ngoại chững lại trước thông tin TPP không được Mỹ thông qua sẽ khiến xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh hơn khi khu vực FDI vẫn là động lực chính của xuất khẩu ở Việt Nam.

Tuy vậy, với việc kinh tế thế giới tháng 1/2017 cho thấy, nhiều dấu hiệu tốt xấu đan xen, về cơ bản, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 1/2017 vẫn nằm trong kỳ vọng. Do đó, Market Intello vẫn giữ nguyên dự báo cho năm 2017 bao gồm tốc độ tăng trưởng 6,3% và lạm phát đạt 4,3 – 4,5%.

Mặt bằng lãi suất được cho là sẽ được giữ ở mức ngang với năm 2016 nhờ tác động kiểm soát lạm phát từ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ duy trì ở mức 17 – 18% trong năm 2017 do nền kinh tế còn yếu.

Tỷ giá tăng khoảng 1,5-2%. Triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh dưới thời tân tổng thống cùng việc Fed nâng lãi suất 3 lần trong năm sẽ khiến đồng USD tăng giá so với đa số các đồng tiền trên thế giới bao gồm Việt Nam đồng. Tuy nhiên, VND sẽ không bị mất giá đáng kể nhờ cán cân thương mại tiếp tục cân bằng trong khi cán cân vốn đạt thặng dư và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào.

Bích Diệp