1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thanh tra Bộ Xây dựng phản hồi về sai phạm của những công ty “họ” Sông Đà

(Dân trí) - Vì Tổng Công ty Sông Đà “phản pháo” lại một số nội dung, số liệu nên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đoàn Thanh tra xác định lại các số liệu để đảm bảo chính xác, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật (!).

Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện nhiều vấn đề tại Tổng công ty Sông Đà.
Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện nhiều vấn đề tại Tổng công ty Sông Đà.

Sau khi Dân trí đăng tải thông tin về Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc chấp hành pháp luật trong công tác cổ phần hoá; quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tại Tổng công ty Sông Đà và các đơn vị thành viên, hôm nay (27/2) Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản phản hồi.

“Qua xem xét nội dung tin bài đã đăng thì nội dung phù hợp với kết luận thanh tra”- Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định.

Ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó trọng tâm là công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu tài chính và quản trị doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra đối với các Tổng công ty trực thuộc Bộ.

Nội dung thanh tra tập trung chủ yếu vào công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu tài chính và quản trị doanh nghiệp, với mục đích phát hiện các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý (bao gồm cả việc điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách) và đảm bảo cho các doanh nghiệp thực hiện thành công đề án tái cơ cấu, phát triển ổn định và lành mạnh.

Theo kế hoạch, năm 2015 Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra tại Tổng Công ty Sông Đà và đã có kết luận thanh tra số 350/KL-TTr ngày 9/12/2015.

Tuy nhiên, sau khi nhận được kết luận thanh tra, Tổng Công ty Sông Đà đã kiến nghị với Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng một số nội dung và số liệu trong kết luận còn chưa thống nhất giữa Đoàn Thanh tra và Tổng công ty.

“Do các số liệu liên quan qua nhiều năm hoạt động của doanh nghiệp, nhiều thời kỳ lãnh đạo, nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức hoạt động và thay đổi cơ chế chính sách, nhất là đối với các công ty con, công ty liên kết (tổng công ty không nắm giữ cổ phần chi phối) nên cần được xác định lại cho phù hợp”- văn bản của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ.

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Đoàn Thanh tra phối hợp với Tổng Công ty Sông Đà tiếp tục rà soát lại các số liệu, tài liệu và xác định lại các số liệu đảm bảo chính xác, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật.

Trước đó như Dân trí phản ánh, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết đến hết năm 2014 kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Sông Đà lỗ lũy kế trên 413 tỷ đồng; riêng Công ty CP Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế trên 2.637 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra yêu cầu Tổng công ty Sông Đà phải thu hồi số tiền đã đầu tư vào Quỹ đầu tư Việt Nam còn lại về tài khoản của công ty mẹ trên 63 tỷ đồng. Đồng thời công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà có biện pháp đẩy mạnh công tác chuyển giao Công ty CP Xi măng Hạ Long sang Tổng công ty xi măng Việt Nam theo Văn bản số 64/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết luận thanh tra, công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà nợ quá hạn 2 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu và Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài với tổng số tiền trên 569 tỷ đồng; mục đích cho Công ty CP Xi măng Hạ Long vay lại gần 466,8 tỷ đồng và góp vào Công ty CP Xi măng Hạ Long 103 tỷ đồng...

“Để có nguồn thu trả các khoản nợ quá hạn ngân hàng, yêu cầu công ty mẹ tổng công ty đẩy nhanh công tác chuyển giao Công ty CP Xi măng Hạ Long; đồng thời thu hồi các khoản công nợ khác, tránh nợ xấu”- kết luận nêu rõ.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện hàng loạt sai phạm với mức độ khác nhau tại hàng loạt công ty thành viên của Tổng công ty Sông Đà và đã có kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính rất cụ thể.

Thế Kha

Thanh tra Bộ Xây dựng phản hồi về sai phạm của những công ty “họ” Sông Đà - 2