1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Sức nóng cải cách chưa ra khỏi phòng họp Chính phủ"

(Dân trí) - Cải cách phải "chẳng kém ASEAN ở phương Nam, không thua nước láng giềng phương Bắc" thế nhưng, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, sức nóng và sự thôi thúc của công cuộc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước vẫn chưa ra được khỏi phòng họp Chính phủ và khuôn viên của văn phòng Chính phủ.

Nhiệm vụ tạo việc làm quan trọng hơn cả tăng trưởng GDP

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay 1/4, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn báo cáo về tình hình lao động và việc làm do Tổng cục Thống kê vừa công bố vào cuối tuần trước cho biết, gần 48% trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 – 24 tuổi.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong toàn quốc là 6,5%, cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 tuổi trở lên. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở khu vực thành thị với 9,5%, nghĩa là cứ 10 thanh niên trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị có gần 1 người thất nghiệp. Ông Lộc cho rằng, đây là những con số rất đáng suy ngẫm.

Bản báo cáo này cũng cho biết, có tới 17,5 triệu lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức với thu nhập thấp và không ổn định chiếm tỉ lệ 56,4%. Tỷ lệ này ở nông thôn cao hơn rất nhiều so với thành phố, chiếm tới 64,1%.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

"Mặc dù các cơ quan chức năng không đưa ra được con số chính xác, nhưng tất cả chúng ta đều hiểu rằng không chỉ thất nghiệp mà cả tình trạng thiếu việc làm (hay như cách nói của thế giới là thất nghiệp trá hình, bán thất nghiệp) đang là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế và nỗi đau của mỗi gia đình, nhất là các gia đình nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn nơi có tới 70% dân số đang sinh sống" - đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Vị đại biểu cho rằng, thất nghiệp và đặc biệt là tình trạng thiếu việc làm đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Thêm vào đó, mỗi năm, Việt Nam có hơn 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động cộng với hàng triệu, thậm chí cả chục triệu người sẽ không còn kế sinh nhai trong khu vực nông nghiệp do quá trình tái cấu trúc, cần có việc làm, sẽ trở thành áp lực ngày càng lớn đối với đất nước trong những năm sắp tới.

Để giải tỏa được áp lực này, nền kinh tế cần phải tạo ra được hàng chục triệu chỗ làm việc mới trong thời gian 5-10 năm tới. Do vậy, the ông Lộc, cần phải xác định nhiệm vụ tạo việc làm mới - việc làm đàng hoàng cho người lao động, là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm.

"Xét về tầm mức ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, thậm chí nhiệm vụ này còn quan trọng hơn cả nhiệm vụ tăng trưởng GDP hay tăng thu ngân sách của cả nước và ở mỗi địa phương" - Chủ tịch VCCI đánh giá.

Chính phủ cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển

Tuy nhiên, ai sẽ là chủ thể tạo việc làm cho nền kinh tế? Với bối cảnh hiện tại, cỗ máy tạo việc làm lớn nhất chính là khu vực kinh tế tư nhân trong nước và muốn tạo được nhiều việc làm, Chính phủ cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Theo đó, ông Lộc cho rằng, cần xây dựng ở Việt Nam một "hệ sinh thái" thuận lợi cho khởi nghiệp và một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu có được ít nhất 1,5 đến 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Nếu tính bình quân 1 doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc cho nền kinh tế, thì với 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp, có thể tạo ra 30 - 40 triệu việc làm bền vững ở Việt Nam - ông Lộc phân tích. Vị đại biểu đề nghị, kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp.

Điều quan trọng, theo ông Lộc là phải xác định thật rõ lộ trình và các chỉ tiêu định lượng phải đạt được trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong mối tương quan so sánh với các nền kinh tế khác (chứ không phải kiểu chỉ “ta so với ta” hay “mẹ hát con khen hay”).

Vị đại biểu cho rằng, cải cách thể chế phải triển khai với tầm nhìn "chẳng kém ASEAN ở phương Nam, không thua nước láng giềng phương Bắc". Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị của đất nước, thật ra Việt Nam không thể có sự lựa chọn nào khác để bảo đảm sự phát triển tự chủ.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI đánh giá, việc thiết lập kỷ luật thực thi trong hệ thống hành chính vẫn chưa đạt được thành công. Nhiều vị tư lệnh ngành và người đứng đầu một số địa phương đã không triển khai nghiêm túc chương trình hành động thực hiện cải cách thể chế theo nghị quyết của Chính phủ.

"Sức nóng và sự thôi thúc của công cuộc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã chưa ra được khỏi phòng họp Chính phủ và khuôn viên của văn phòng Chính phủ" - đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận xét.

Bích Diệp

"Sức nóng cải cách chưa ra khỏi phòng họp Chính phủ" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm