1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Rau sạch, giấc mơ thị thành: Ăn rau gì không sợ thuốc?

(Dân trí) - Hiện nay, lượng người tham gia những sự kiện nhận diện nông sản thực phẩm an toàn khá lớn. Bởi, nhu cầu nhận biết và tiêu dùng thực phẩm an toàn chưa bao giờ cấp bách như bây giờ. Làm thế nào để chọn được rau cung cấp vitamin thực sự, thay vì cung cấp chất gây ung thư?

Những “hung thần” màu xanh

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, chủ thương hiệu rau sạch Rau Mẹ Tui Trồng khẳng định, hiện, các loại cải xanh, cải ngọt là “ngậm” hóa chất nhiều nhất vì mọng nước, thu hút nhiều sâu bọ. Đó chính là lý do người chọn kinh doanh rau sạch ít khi trồng loại này.

“Với các loại cải, người trồng phải xịt thuốc sâu liên tục”, anh Nguyễn Văn Thống, một nông dân trồng rau tiết lộ. Theo anh Thống, kể từ khi cấy luống là đã phải dùng thuốc để ngăn sâu bệnh cho các loại cải. Sau đó, tầng suất dùng thuốc là hàng tuần thậm chí là vài ngày. Những ngày mưa, người trồng còn phải dùng nhiều hơn vì thuốc sẽ bị trôi đi phần nào. Nếu không kịp phun thuốc, sâu bọ sẽ sinh sôi rất nhanh chóng. Không dừng lại ở đó, cải cũng là loại dễ bị dập úng nếu chẳng may vướng mưa. Để tránh rủi ro, người trồng rất ngại giữ cải trong thời gian cách ly đủ lâu.

Khó để phân biệt rau cắn thuốc và rau sạch
Khó để phân biệt rau "cắn" thuốc và rau sạch

Hút sâu bọ không kém là khổ qua và rau ngót. Đây thực sự là một bất ngờ bởi trước nay, đây vẫn là hai loại rau quả được ưa dùng vì có nhiều công dụng tốt. Để có những trái khổ qua căng đều, bóng mượt, không chỉ bảo vệ trái khỏi sâu bệnh, người trồng còn phải dùng những loại phân bón hóa học để tưới tắm cho quả để giữ độ tươi, mọng.

Chị Phạm Thị Hương, nhà đầu tư rau sạch Anata nhận xét: “Thường thì khổ qua trồng tự nhiên thì sẽ khó mà to đều các quả như nhau. Mười quả như một sắp đều trên các sạp ở chợ khó có thể nói là không bị “phù phép”.

Không chỉ có mối nguy từ nhà vườn, anh Nguyễn Hải Bình, chủ thương hiệu rau sạch Dalat G.A.P Store chia sẻ, trên thực tế, rau bó xôi và cải thìa là hai loại rau rất “nhạy cảm” vì dễ dập úng. Khâu vận chuyển hai loại rau này cần rất nhẹ nhàng nhưng việc đó rất khó với những người bốc vác rau ở chợ, với lượng rau củ quả lớn như thế mỗi ngày.

Để giữ cho cải thảo và bó xôi mượt mà đến các chợ nhỏ, theo ông Bình, thường thì các chủ vựa phải “tắm” hai loại rau này trong một thau lớn dung dịch xử lý chưa rõ nguồn gốc. “Chưa biết tác hại hóa chất giúp rau tươi mọng như thế nào nhưng đó thật sự không tốt cho người dùng”, anh Bình cho biết.

Nhiều vườn rau lạm dụng các loại thuốc tăng trưởng
Nhiều vườn rau lạm dụng các loại thuốc tăng trưởng

Nhìn mặt, chọn rau

Trong tình hình không mấy khả quan như thế, điều đáng mừng là vẫn có những phương cách để chọn được những loại rau quả an toàn. Chị Phạm Thị Hương cho biết, hiện thị trường rau có vài giống nhập của Nhật, Úc thì to dài và đẹp hơn do giống truyền thống nhưng rau thường mà to dài mướt đa phần thuốc kích thích hoặc dùng các chất hóa học có nguyên tố phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây”.

Hai năm nay, chị đã bỏ thời gian đi khắp nơi để tìm hiểu từ những người nông dân để có thể nhìn ra được nguồn hàng tốt. Chị tư vấn: “Một số loại rau thơm trên cạn mà lá lớn thì hầu hết đều trồng ở Đà Lạt vì khí hậu mát lạnh. Nhưng nếu từ vùng nhiệt đới thì khả năng có ure và thuốc sinh trưởng cao, không kiểm soát liều lượng và thời gian cách ly. Ngò gai, mùi tàu và hành lá thường nằm trong số này.

“Giá đỗ thì rất dễ nhận biết. Giá không có rễ nhỏ và không còn hai mặt đậu chắc chắn có thuốc. Giá trồng tự nhiên luôn có một chút rễ nhỏ liti. Và hai mặt đậu còn dính phần ngọn nhiều. Rau muống sạch cũng có thân nhỏ và mềm hơn rau có ure thuốc”, chị Hương nhận xét.

Rau sạch, giấc mơ thị thành: Ăn rau gì không sợ thuốc? - 3

“Hiện, rau muống cạn, mồng tơi và rau dền là người trồng ít phải dùng thuốc hơn. Do đó, các loại rau ăn lá này sẽ ít có nguy cơ dư lượng hóa chất vượt mức cho phép”, chị Nguyễn Thị Sen, nông dân trồng rau tiết lộ.

Xử lý rau củ quả trước khi sử dụng

Theo Cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM, với hiện trạng canh tác như hiện nay, cần thiết phải xử lý rau củ quả trước khi sử dụng. Cụ thể:

Rau ăn lá: nhặt sạch rau, ngâm trong nước muối nhạt hoặc nước pha giấm (một chậu nước khoảng 10 lít chỉ cho lưng thìa cà phê muối ngâm trong vòng 5 phút) để loại trừ vi khuẩn và bắt đầu rửa từng lá, cọng dưới vòi nước. Các cành rau nhỏ như rau muống, cải xoong, tần ô... phải rửa làm nhiều lần.

Các loại quả: như cà chua, bầu, bí và mướp nên rửa sạch từng quả, để ráo nước rồi bọc nylon cho vào tủ lạnh, ăn sau 2 ngày. Các loại rau quả cần ăn ngay nên rửa sạch dưới dòng nước và ngâm nước muối. Tránh ngâm nước muối rồi cho vào tủ lạnh để cách ngày vì quả dễ bị hỏng.

Các loại củ: như cà rốt, khoai tây, củ cải… khi chế biến nên rửa sạch vỏ sau đó gọt và rửa lại củ một lần nữa rồi mới cắt để đảm bảo sạch khuẩn.

Song Quý