Ô tô cũ ế sưng và cú "lật kèo" của xe tư nhân Việt với đại gia “lắm tiền, nhiều mẹo”
(Dân trí) - Tuần này, thông tin thị trường ô tô đã trầm lắng để nhường chỗ cho những trận cầu lịch sử của U23 Việt Nam. Nhưng, những diễn biến đáng chú ý liên quan đến Mitsubishi tuyên bố lắp ráp mẫu xe Outlander tại Việt Nam thay vì nhập khẩu, đồng thời giảm giá dòng xe này xuống hơn 800 triệu đồng.
Việc một mẫu xe có doanh số không phải cao nhưng Mitsubishi vẫn quyết định lắp ráp Outlander tại Việt Nam, rồi Trường Hải - Thaco, Thành Công thời gian qua cũng quyết tâm đem xe nước ngoài về sản xuất, lắp ráp trong nước... Hàng loạt động thái đã minh chứng một xu hướng: Chi phí làm xe hơi tại Việt Nam không hề đắt, chỉ đắt là ý chí và quyết tâm làm xe tại Việt Nam hay không mà thôi.
Mitsubishi đi ngược và cú "lật kèo" đại gia lắm tiền, nhiều mưu mẹo
Mặc dù giữa bộn bề lo lắng và nhiễu loạn các thông tin về xe nhập khó về Việt Nam vì vướng chính sách, tuy nhiên, tuần qua các thông tin giá xe vẫn gây chú ý người tiêu dùng. Chiếc xe giảm giá mạnh nhất năm 2017 là Mitsubishi Outlander đã chính thức được sản xuất, lắp ráp trong nước thay vì nhập khẩu từ Thái Lan.
Đây thực sự là tin vui đối với thị trường xe Việt bởi khác với các ông lớn Toyota, Honda khi đẩy hàng loạt xe yêu thích tại Việt Nam từ chỗ sản xuất, lắp ráp trong nước sang nhập khẩu từ Thái Lan vì cho rằng: Sản xuất tại Việt Nam chi phí cao, kém hiệu quả.
Minh chứng rất rõ nét là Honda CRV sau nhiều năm được bán với doanh số cao ngất ngưởng tại Việt Nam ở dòng xe Crossover, năm 2017 - 2018 ông lớn xe Nhật quyết định ngừng sản xuất lắp ráp chủ yếu ở Việt Nam để tập trung nhập khẩu nguyên chiếc dòng xe 7 chỗ này từ Thái Lan.
Toyota cũng chẳng kém khi dòng Fortuner vốn được tiêu thụ mạnh ở Việt Nam sau thời gian lắp ráp ồ ạt trong nước, năm 2017 đã ngừng sản xuất, lắp ráp chủ yếu ở Việt Nam để nhập khẩu nguyên chiếc mẫu xe này từ Indonesia.
Đối với thị trường Việt Nam, những ông lớn ô tô liên doanh luôn đưa ra quân bài chi phí cao hơn so với các nước để biện minh cho việc buộc các hãng này phải chuyển sang nhập khẩu. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam năm 2017, nhóm công tác ô tô xe máy đã cho rằng chi phí sản xuất xe hơi tại Việt Nam cao hơn 20% so Thái Lan. Điều này khiến Việt Nam bất lợi cuộc đua về chi phí và buộc các DN xe phải chuyển sang nhập khẩu.
Thế nhưng, trái ngược với các liên doanh sừng sỏ, những DN xe hơi tư nhân có cách làm khác. Lần lượt Trường Hải - Thaco, Hyundai Thành Công, hay TCIE Việt Nam (chuyên lắp ráp các dòng xe Nissan) đều đã hiện thực hóa kế hoạch lắp ráp nhiều dòng xe hơi chiến lược ở Việt Nam, bán ra thị trường để buộc các dòng xe liên doanh phải hạ giá, chấp nhận thực tế là cuộc chơi không dành cho các ông lớn nữa.
Thaco đã đưa Mazda CX5 trở thành dòng xe được tiêu thụ ngang ngửa đối với các mẫu xe đình đám khác như như Innova, Honda CRV, hay cạnh tranh trực tiếp với Toyota Fortuner. Ngoài ra, ông lớn này cũng bổ sung hàng loạt dòng xe Kia ra thị trường để cạnh tranh mọi phân khúc, buộc các hãng liên doanh bước vào cuộc giảm giá.
Tập đoàn Thành Công cũng vậy, hãng xe liên doanh này liên tục đi đầu về chiến lược Việt hóa dòng xe Hyundai i10, Tucson hay SantaFe đồng thời giảm giá liên tục các mẫu xe này. Mức giảm giá nhanh nhiều dòng đã chứng tỏ năng lực của các hãng xe trong nước không hề thua kém và họ cũng kiếm được lợi từ nơi "chi phí cao" như ở Việt Nam.
Cuối cùng, có thể nói việc Mitsubishi đi sau các hãng xe tư nhân lấy Việt Nam là địa điểm để sản xuất, lắp ráp xe hơi cho thấy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về sản xuất xe hơi không hề mất đi và chi phí sản xuất tại Việt Nam đắt đỏ. Điều này cũng minh chứng việc "chi phí tại Việt Nam" đắt đỏ chỉ là một trong những cái cớ để các tập đoàn ô tô xuyên quốc gia "tính toán" lợi ích của mình thay vì nỗ lực cho lợi ích cho thị trường, cho nước sở tại.
Xe cũ ế sưng, người buôn sầu thảm giữa mùa cao điểm
Trong khi thị trường xe mới còn đang trong trạng thái "tranh tối, tranh sáng" thì các loại xe cũ đang ở thế rượt đuổi về giá và đứng im về doanh số bán ra. Chưa bao giờ người buôn xe cũ lại gặp nghịch cảnh cầm xe mà không thể xuất bán giữa mùa cao điểm như năm nay.
Vào thời điểm cận kề tết nguyên đán, như mọi năm người mua, kẻ bán tại các đại lý, showroom ô tô cũ tấp nập. Tuy nhiên, năm nay một không khí trầm buồn, nếu không nói là u uất dành cho các chợ xe, đại lý xe cũ.
Mặc dù mức giá giảm mạnh, nhiều chủ đại lý cho biết bán tháo hàng, thu hồi vốn nhưng cũng không thể làm gì trước một thị trường ô tô lạnh tưởng như đóng băng thời điểm hiện tại. Tại một cửa hàng bán xe cũ loại hatchback của Hyundai, Kia hay Chevrolet, chỉ cần người mua trả trước 100 triệu đồng là người dân có xe đi, số tiền còn lại được trả góp hoặc vay ngân hàng lãi suất thấp, cộng với tặng 1 năm bảo hiểm. Tuy có khuyến mại lớn nhưng thời điểm này không dễ kiếm được người mua xe cũ.
Mỗi tuần một sự kiện, một thông tin về xe nhập
Trước lo ngại của báo giới và người dân về thiếu các thông tin xe nhập khẩu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã yêu cầu các bộ phận chuyên môn của ngành hải quan, Cục hải quan các địa phương phải công khai thống kê hàng tuần về chủng loại xe nhập, lượng xe và xuất xứ xe.
Thêm nữa, người đứng đầu ngành hải quan cũng khẳng định sẽ làm tốt thông tin đến giá xe khai báo nhập khẩu ở hải quan để ngăn chặn khai man giá, khai thấp trị giá hải quan để trục lợi thuế.
Trên thực tế, giá nhiều loại xe mới đang hạ, thông tin xe nhập năm 2018 được nhiều người dân và thị trường kỳ vọng khi mức thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia và nhiều nước ASEAN sẽ về 0%. Người tiêu dùng kỳ vọng giá xe hơi sẽ giảm mạnh mẽ bởi thuế nhập khẩu giảm 30% - xuống 0% chắc chắn sẽ khiến giá nhập xe hơi giảm mạnh, người tiêu dùng cần biết rõ thông tin loại xe này, xuất xứ từ đâu được giảm giá để chủ động xuống tiền.
Gần đây, nhiều thông tin các hãng xe hơi nhập khẩu tuyên bố ngừng nhập xe hơi về Việt Nam vì Nghị định 116 đang cản trở nhiều hoạt động của các hãng xe nhập như yêu cầu: Giấy Chứng nhận kiểu loại và thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng. Các DN nhập khẩu đều cho đây là biện pháp cản trở họ kinh doanh xe nhập, tuy nhiên thông tin của cơ quan chức năng của Việt Nam, dù nói ngừng nhập xe nhưng các DN ô tô vẫn xin giấy phép nhập khẩu và nhiều DN đã được cấp giấy phép theo quy định mới.
Giữa lúc thông tin nhiều chiều, có thể là việc "tung hỏa mù" gây nhiễu loạn thị trường xe hơi thời điểm đầu năm 2018 và cận tết Nguyên đán Mậu Tuất, người tiêu dùng rất trông chờ vào sự minh bạch thông tin của các cơ quan chức năng vì điều này vừa góp phần giúp thị trường ổn định, người tiêu dùng không cảm thấy xuống tiền mua xe nhưng cảm thấy mất mát, hậm hực.
Nguyễn Tuyền