Người Việt “gánh” tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần khu vực
(Dân trí) - Thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của Việt Nam hiện nay ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% còn Ấn Độ chỉ là 7,8%.
Ảnh minh họa
Tổng chi NSNN năm 2014 ước tính đạt 1019,7 nghìn tỷ đồng, bằng 101,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 169,1 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 164 nghìn tỷ đồng, vượt 0,6% dự toán chi đầu tư phát triển. Tỷ lệ chi NSNN so với GDP giảm khá nhanh trong giai đoạn 2007-2014, trong khi tỷ lệ thu NSNN so với GDP chỉ giảm liên tục từ năm 2010 trở lại đây.
Thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỷ qua và có mức độ ngày một gia tăng. Cụ thể, thâm hụt ngân sách (không bao gồm chi trả nợ gốc) của Việt Nam trung bình giai đoạn 2007-2010 là 2,4% GDP, nhưng con số này đã tăng gấp gần 1,5 lần trong giai đoạn 2011-2014, lên mức 3,4% GDP.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm thì việc tăng bội chi cũng có tác dụng tích cực ở mức độ nào đó, nhưng mức nợ công tăng nhanh để tài trợ thâm hụt ngân sách sẽ là áp lực cho cân đối NSNN những năm sắp tới và gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, nhất là khi mục tiêu kiềm chế phát cao được ưu tiên hơn mục tiêu tăng trưởng.
Theo đánh giá của TS Trần Đình Thiên, có thể thấy các khoản thu ngân sách là kém bền vững. Việc đưa khoản thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất vào tính toán cán cân ngân sách sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng bội chi từ những con số báo cáo bởi về bản chất thì đây là việc bán tài sản đi để chi tiêu. Đặc biệt, khoản thu này đang có xu hướng ngày càng giảm dần về quy mô tuyệt đối cũng như tỷ trọng trong tổng thu và viện trợ khi các tài sản loại này thuộc sở hữu nhà nước đang cạn dần. Tương tự như vậy, thu từ việc khai thác dầu thô và tài nguyên khác cũng có bản chất giống như các khoản thu từ việc bán tài sản quốc gia và không bền vững do nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn.
TS Trần Đình Thiên cho biết, trên thực tế, thu từ dầu thô có tỷ trọng ngày càng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước. Nó chứng tỏ tỷ trọng các khoản thu khác đang gia tăng.
Theo đó, thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của Việt Nam hiện nay ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% còn Ấn Độ chỉ là 7,8%.
“Như vậy, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực” – bản tham luận của TS Trần Đình Thiên cho hay.
Ngoài ra, tỷ trọng thu thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm dần trong khi tỷ trọng thu thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đang tăng nhanh. Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sự phụ thuộc lớn vào nguồn thuế này khi lộ trình cắt giảm thuế được thực hiện theo cam kết WTO sẽ khiến mức độ thâm hụt ngân sách trở nên trầm trọng hơn trong những năm tới.
Năm 2014, giá dầu thô thế giới giảm mạnh, có thời điểm giảm đến hơn 50% nhưng thu từ dầu thô của Việt Nam vẫn chiếm hơn 10% tổng thu NSNN. Ước tính, giá dầu thô cứ giảm 1 USD/thùng sẽ làm NSNN hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Điều này đề ra một yêu cầu cấp thiết phải cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững hơn.
Biến động trong quy mô và cơ cấu thu ngân sách Nhà nước năm 2015 do ảnh hưởng của khả năng giá dầu thô và xăng dầu giảm sâu sẽ gây hậu quả xấu hơn, trong bối cảnh các nhiệm vụ chi theo dự toán đều không thể trì hoãn. Tuy nhiên, giá dầu thô giảm dẫn đến giá xăng dầu giảm sẽ có tác động tích cực tới sự phục hồi kinh tế. Nhờ đó, thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu có thể tăng được để bù đắp cho phần hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như từ nhập khẩu xăng dầu.
Bích Diệp