Ngành công nghiệp vẫn "tụt hậu" về khoa học công nghệ
(Dân trí) - Trong thời gian qua, tình trạng tụt hậu về khoa học, công nghệ so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới vẫn chưa được khắc phục; hoạt động khoa học, công nghệ chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết kết quả hoạt động khoa học và công nghệ ngành công thương vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, ngành Công Thương luôn xác định khoa học, công nghệ vừa giữ vai trò then chốt, vừa là nền tảng, động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững, là bí quyết để mỗi quốc gia phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu bức thiết về đổi mới, phát triển công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo được ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, trong Văn kiện Đại hội XII, đã bổ sung vào hai chữ “thực sự” trước cụm từ “là quốc sách hàng đầu”. Điều đó cũng có nghĩa là mọi chủ trương, chính sách phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ Tổ quốc đều phải dựa vào khoa học, công nghệ và thực hiện bằng khoa học, công nghệ; khoa học, công nghệ phải đứng hàng thứ nhất và đi trước một bước trong mọi chính sách phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu hoạt động khoa học, công nghệ của ngành Công Thương trong giai đoạn tới cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong nước.
Bên cạnh đó, phải đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành công thương....
Theo báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân duy trì ở mức tốt 13,0%/năm. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của sản xuất công nghiệp và xây dựng trong tăng trưởng GDP chiếm 42-43%; chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự thay đổi tích cực; một số ngành công nghiệp có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có kim ngạch xuất khẩu khá và đang tiếp tục lớn mạnh.
Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu thương mại tăng trưởng 17,5%/năm. Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Trong khi đó, thương mại nội địa tăng trưởng khá bình quân tăng 14,1%/năm. Thị trường hàng hóa trong nước dồi dào, cân đối cung cầu hàng hóa, trong đó gồm hàng thiết yếu và hàng thông dụng được bảo đảm. Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả. Năm 2015, ghi dấu là năm đạt được kết quả hội nhập kinh tế quốc tế rất tích cực khi Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc; kết thúc đàm phán FTA với EU, ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Tuy vậy, trong thời gian qua, tình trạng tụt hậu về khoa học, công nghệ so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới vẫn chưa được khắc phục; hoạt động khoa học, công nghệ chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động khoa học, công nghệ còn khó khăn; đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao.
Để giải quyết được những hạn chế đó, giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm; giá trị gia tăng công nghiệp đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43% trong GDP cả nước; tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11%/năm.
Theo Bộ Công Thương, định hướng phát triển công nghiệp trong thời kỳ tới là ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực: chế biến nông, lâm, thủy sản; điện tử, viễn thông; năng lượng mới và tái tạo; cơ khí chế tạo và hóa dược; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu;
Đáng lưu ý, ngành công thương cũng đặt mục tiêu phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hoá chất, công nghiệp quốc phòng; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp dược... phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ;
Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vật liệu mới đi đôi với áp dụng sản xuất sạch hơn, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường.
Phương Dung