1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công nghiệp hỗ trợ "đi trên dây" vì Việt Nam thực thi chính sách kém nhất thế giới!

(Dân trí) - "Có thể nói, Việt Nam có rất nhiều chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đánh giá chính sách về lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam thuộc hàng đầu thế giới, nhưng về mặt thực thi, chúng ta kém nhất thế giới".

Ý kiến của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đưa ra tại Hội thảo thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam diễn ra sáng nay (16/9). Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia của Nhật Bản nhằm chỉ ra thực trạng và giải pháp thúc đẩy CNHT Việt Nam thời gian tới.

Công nghiệp hỗ trợ "đi trên dây" vì Việt Nam thực thi chính sách kém nhất thế giới! - 1

Trước đó, TS Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) khẳng định: Về phát triển CNHT, Việt Nam có đầy đủ văn bản pháp lý, cơ quan của Bộ, ngành và địa phương nhưng do thực thi hạn chế, nhân sự không có trình độ, đặc biệt chưa gắn với nhu cầu của DN, điều này khiến ngành CNHT Việt Nam dù được đầu tư lớn, kỳ vọng nhiều song vẫn dở dang.

GS Nguyễn Mại cũng cho rằng, thời gian qua để thực hiện công nghiệp hỗ trợ các ngành như dệt may, cơ khí, ô tô hay điện tử, chúng ta đưa ra rất nhiều Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, chính sách ưu đãi vốn, đất, thuế thu nhập DN.... và sắp tới Quốc hội sẽ thông qua Luật Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa nữa. Ở khía cạnh thực thi, từ Bộ đến địa phương, thành lập rất nhiều trung tâm hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông Mại nêu thẳng vấn đề: "Việt Nam đã và đang thành lập quá nhiều trung tâm hỗ trợ CNHT chung ở địa phương. Ngoài 2 trung tâm mà các chuyên gia Nhật Bản nêu ra thuộc trách nhiệm của Sở Khoa học và Đầu tư (KH&ĐT) và Sở Công Thương các địa phương thì chúng ta còn có các trung tâm, dự án hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ; các hợp tác xã... Những trung tâm đó được lập ra với những nhiệm vụ quan trọng nhưng về cơ sở và con người thì chưa đáp ứng được nên đó là sự rất lãng phí".

Theo ông Mại, không nước nào có nhiều chính sách CNHT như Việt Nam. Các nước không lập trung tâm tư vấn phát triển CNHT chung cho các ngành như Việt Nam mà chỉ có CNHT riêng cho từng ngành một. Địa phương nào, ngành nào có lợi thế CNHT thì họ lập trước, những gai góc thì lập sau.

"Các nước phát triển khi thực hiện CNHT đều chọn cái "đinh" nhất, đó là cải cách các trung tâm hỗ trợ cho các DN. Tại Nhật, họ lập hơn 600 trung tâm để trợ giúp các ngành nghề riêng. Trong khi đó, ở Việt Nam, các giải pháp đưa ra, cái nào cũng rất hay, nhưng không giải quyết được vấn đề. Nhìn lại Việt Nam, hiện các địa phương đều lập trung tâm hỗ trợ nhưng không đánh giá, kiểm tra khiến các hoạt động của các trung tâm này không hiệu quả. Có mô hình thành công nhưng không được nhân rộng, còn mô hình hạn chế thì không được cải thiện", GS Mại nhận xét.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện CIEM cũng cho rằng: Điểm yếu của DN vừa và nhỏ Việt Nam hiện nay là quy mô và công nghệ. Chúng ta nên loại bỏ bớt các trung tâm trợ giúp để gom vào lập ra một trung tâm hỗ trợ có tính liên kết ở nhiều địa phương với nhau theo hình thức xã hội hóa, trợ giúp và có thu phí, không sử dụng nguồn ngân sách và có sự tham gia của nhiều bên.

"Hỗ trợ trong chính sách của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Trong khi, công nghệ của chúng ta đi sau các nước, thậm chí không phù hợp với trình độ các liên doanh do thiếu máy móc, nhân lực", bà Tuệ Anh nói.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm