1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lãnh đạo tỉnh "cà phê" với doanh nhân: Từ tư duy "hành là chính" đến tinh thần phục vụ

(Dân trí) - Trong khi các doanh nghiệp đánh giá, sáng kiến "cà phê doanh nhân" đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp với lãnh đạo chính quyền địa phương, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp thì phía lãnh đạo chính quyền cũng ghi nhận, đã tiếp thu được những góp ý, thậm chí là trở thành những người "học trò" về tư duy, kiến thức thị trường để áp dụng vào điều hành chính sách.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI chủ trì tọa đàm Cà phê doanh nhân trong khuôn khổ lễ công bố PCI 2016
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI chủ trì tọa đàm "Cà phê doanh nhân" trong khuôn khổ lễ công bố PCI 2016

Tháo gỡ tại chỗ vướng mắc cho doanh nghiệp trên bàn cà phê

Sáng kiến "Cà phê doanh nhân" là một điểm mới trong Lễ công bố Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 đang diễn ra chiều nay (14/3) tại Hà Nội. Theo đó, nằm trong khuôn khổ chương trình năm nay, các diễn giả đã có buổi tọa đàm bàn tròn với những tên gọi "cà phê doanh nhân", "chè doanh nhân" để lãnh đạo các địa phương, các doanh nhân ngồi lại cùng nhau chia sẻ về những kinh nghiệm trong điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm qua.

Phát biểu mở màn, ông Nguyễn Thanh Liêm - đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ chia sẻ, từ 2 năm nay, Cần Thờ xác định sự thành công của các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư (NĐT) cũng chính là sự thành công của thành phố.

Năm 2016 và năm 2017, thành ủy và UBND thành phố xác định, chủ đề năm là thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số cạnh tranh tranh cấp tỉnh (PCI). Trên tinh thần đó, vào tháng 3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ đã ban hành một chỉ thị riêng, yêu cầu chính quyền các cấp phải cùng đồng hành với DN trên địa bàn, dành hẳn một ngày thứ Hai hàng tuần để tiếp DN (Busines Monday).

Mô hình này áp dụng từ lãnh đạo cấp UBND thành phố đến các sở, ban ngành và quận huyện. Theo đó, trong ngày thứ Hai hàng tuần, lãnh đạo các cấp chính quyền cơ sở hạn chế tất cả những cuộc họp để tiếp xúc và lắng nghe DN phản hồi, chia sẻ, góp ý.

Ông Liêm cho biết, sau chính sách này, cộng đồng DN trên địa bàn thành phố đã hưởng ứng rất nhiệt liệt. Tại những cuộc gặp gỡ mặc dù không chính thức này, hàng loạt vấn đề đã được tháo gỡ tại chỗ. Đồng thời, thành phố cũng thành lập đường dây nóng để DN phản ánh những vấn đề bức xúc và đưa ra những đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách tốt hơn..

Bình luận thêm về sáng kiến này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Thực tế, trên thế giới cũng đã có những điển hình về tính lắng nghe của chính quyền địa phương với doanh nghiệp trên địa bàn. Chẳng hạn như, chính quyền Singapore và các công chức Singapore vẫn thường xuyên đến thăm các DN nhưng không phải để hạch sách vòi vĩnh DN mà để tìm hiểu xem DN cần những gì.

Hiện nay, một số địa phương ở Việt Nam cũng đã xuất hiện mô hình này, không chỉ là ngồi ở trụ sở để chờ DN đến đề nghị, phản ánh mà chủ động đến với DN để hiểu hơn về DN và hỗ trợ cho DN. Đây là nhân tố quan trọng để các địa phương thu hút đầu tư cũng như tạo điều kiện cho các DN đến địa phương hoạt động.

Lãnh đạo tỉnh được "dạy" về kiến thức thị trường

Là một địa phương thành công về sáng kiến "cà phê doanh nhân", ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, UBND tỉnh này đã mở một không gian cà phê ngay trong khuôn viên trụ sở tỉnh để lãnh đạo tỉnh gần gũi hơn với DN.

Với mô hình này, ông Hùng tiết lộ, có thể chỉ trong vòng 15 phút, nửa giờ là giải quyết được những vướng mắc của DN mà trước đây theo cách thức truyền thống phải mất đến hàng tuần, hàng tháng. Tại Đồng Tháp, ban đầu, những buổi cà phê gặp gỡ này được tổ chức hàng tuần, hiện nay đã diễn ra hàng ngày, từ 6h30 đến 7h30 trước khi bước vào giờ làm việc hành chính.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thành thực, sáng kiến "cà phê doanh nhân" thực chất không chỉ là cơ hội để lãnh đạo chính quyền lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho DN mà hơn thế, còn được các doanh nhân, DN tư vấn về mặt chính sách, chia sẻ về những kiến thức, kinh nghiệm thị trường.

"Cà phê doanh nhân mang lại giá trị mới cho lãnh đạo tỉnh là tư duy về thị trường, là điều mà các lãnh đạo tỉnh còn thiếu. Từ đó, chúng tôi đưa vào quản lý điều hành, phát triển kinh tế xã hội địa phương", ông Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ. Nói như ông Vũ Tiến Lộc, với những buổi cà phê trò chuyện, lãnh đạo địa phương trở thành những người học trò còn doanh nhân, DN là những người thầy truyền thụ về tư duy, kiến thức thị trường.

Về mô hình "cà phê doanh nhân" ở Tuyên Quang, ông Nguyễn Ngọc Thực - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ban đầu, các lãnh đạo tỉnh "cũng e thẹn lắm", "lãnh đạo tỉnh gì mà cũng sáng nào cũng uống cà phê".

Thế nhưng vượt lên những è dè ban đầu đó, mô hình này đã được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh. Thậm chí, có những chủ đề tháng, chủ đề quý mời diễn giả, các doanh nhân lớn từ TPHCM ra, điểm danh các chủ tịch huyện nếu vắng mặt sẽ bị nhắc nhở vì không chịu gặp gỡ DN.

Từ góc nhìn doanh nhân, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đánh giá, sáng kiến "cà phê doanh nhân" đã rút ngắn khoảng cách giữa DN, doanh nhân với các vị lãnh đạo tỉnh, không còn đứng từ xa nữa mà cùng ngồi lại với nhau đối thoại, không phải giải quyết vấn đề thông qua đường văn bản hành chính nữa mà bằng những cuộc trò chuyện cởi mở.

Từ những mô hình này đã tạo nên sự lan tỏa, thay đổi tư duy viên chức, công chức: từ tư duy "cưỡng bức" DN nay là tự nguyện phục vụ DN; từ tư duy "hành là chính" sang tư duy phục vụ.

Bích Diệp