Khoán kinh phí xe công có khi còn... tăng thu nhập

“Mình đi xe của mình đến cơ quan. Đi họp ở đâu thì dùng xe công. Còn lại đi việc riêng dùng xe công thì không đúng. Sử dụng xe cá nhân nếu ổn định, tiết kiệm có khi còn tăng thêm thu nhập”

Khoán kinh phí xe công có khi còn... tăng thu nhập - 1

Liên quan đến thông tin Hà Nội thí điểm khoán kinh phí xe công, một cán bộ Sở Tài chính cho biết có hai phương án để áp dụng. Một là khoán theo đầu xe hơn 9 triệu/tháng. Hai là khoán chi phí di chuyển khoảng 13.000 đồng/km.

Dự kiến, Hà Nội sẽ thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô công tại 4 sở (Tài chính, Giao thông vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư và 4 quận, huyện (Long Biên, Hà Đông, Gia Lâm, Thanh Trì) từ ngày 1/1/2017.

Theo một cán bộ của Sở Tài chính có trách nhiệm soạn thảo đề án này, hiện tại, trung bình mỗi sở ngành, quận huyện có khoảng 4 xe công. Nếu khoán chi phí xe công sẽ tiết kiệm được rất nhiều. “Hiện nay, mỗi năm phải chi khoảng 200 triệu cho một xe công hoạt động”, vị cán bộ này nói.

Theo đó, có hai phương án lựa chọn để các đơn vị cân nhắc. Một là khoán theo đầu xe hơn 9 triệu/tháng. Hai là khoán chi phí di chuyển khoảng 13.000 đồng/km. Đại diện Sở Tài Chính cũng cho biết, đang chờ UBND thành phố phê duyệt phương án.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, hầu hết các đơn vị thí điểm đều ủng hộ chủ trương khoán kinh phí xe công. Một lãnh đạo đơn vị thí điểm chia sẻ, dù văn bản thành phố chưa có nhưng ngân sách thành phố giao rồi và sẵn sàng thực hiện.

“Trong hai phương án thì phương án 1 khoán hơn 9 triệu/tháng rất gọn, rõ. Như thế không phải lăn tăn gì. Còn khoán kiểu 13.000 đồng/km thì mình phải đi thuê xe. Mỗi lần thuê xe phải ghi cây số. Quản lý cũng rất phức tạp, cồng kềnh”, ông này nói.

Ông này cũng tiết lộ, trong cuộc họp của thành phố về thí điểm khoán kinh phí, hầu hết các đơn vị cơ bản đồng ý phương án 1, còn một số sở, ngành thì đang chần chừ với các phương án vì có đặc trưng đi công tác nhiều.

“Trong 8 đơn vị làm thí điểm thì chúng tôi vui vẻ nhận lời. Nhận khoán hơn 9 triệu/xe/tháng cho đỡ gò bó. Mình đi xe của mình đến cơ quan. Đi họp ở đâu thì dùng xe công. Còn lại đi việc riêng dùng xe công thì không đúng. Sử dụng xe cá nhân nếu ổn định, tiết kiệm có khi còn tăng thêm thu nhập”, ông này cho biết thêm.

Theo phân tích của lãnh đạo một huyện thí điểm thì mức khoán này sẽ chia cho đầu xe của đơn vị. Từ số tiền đó sẽ chia cho số người sử dụng chung chiếc xe đó. “Xe công là để sử dụng chung, đi thực thi công vụ, đi họp hành, công vụ chứ không phải sử dụng mục đích riêng. Như tôi cũng chưa đủ điều kiện để xe đưa đón”, đại diện huyện này nói.

Liên quan đến việc giảm đội ngũ lái xe khi khoán kinh phí, một lãnh đạo huyện Gia Lâm cho biết, trong cuộc họp cũng đã có đề xuất với thành phố về việc chuyển những lái xe dư thừa sang một số đơn vị sự nghiệp, ví dụ các ban quản lý dự án, phòng văn hóa, thể thao của huyện.

“Bên đó hoạt động nhiều, cần xe cần người mà nhiều khi không có. Những xe nào cũ quá thì có thể thanh lý. Về cơ bản là sẽ giảm được nhiều thứ khi khoán chi phí xe công”, vị này nói.

Theo Trường Phong
Tiền Phong