Giới đầu tư Trung Quốc đang thực hiện "tour mua sắm" doanh nghiệp Việt
(Dân trí) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hết tháng 9/2017, Trung Quốc đứng thứ 4 về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, đứng thứ 2 về số lượng nhà đầu tư nắm nhiều dự án bị thâu tóm, bị mua cổ phần.
Cụ thể, xét về tổng vốn FDI 9 tháng qua, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư số 1 của Việt Nam với 6,3 tỷ USD, Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với 5,4 tỷ USD; Singapore đứng vị trí thứ 3 với 4,1 tỷ USD và Trung Quốc đứng thứ 4 với 1,7 tỷ USD.
Số vốn bình quân trên mỗi dự án cấp mới, tăng thêm, cao nhất vẫn thuộc về các nhà đầu đến từ Singapore, với gần 432 tỷ đồng/dự án; đứng thứ 2 là Nhật Bản với trên 300 tỷ đồng; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 142 tỷ đồng, vốn trên mỗi dự án ít nhất thuộc về các nhà đầu tư Trung Quốc với chỉ 133 tỷ đồng (nếu cộng cả Đài Loan, Hồng Kông, vốn cấp mới, tăng thêm bình quân của Trung Quốc mới bằng vốn cấp mới tăng thêm bình quân của các nhà đầu tư Hàn Quốc).
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là về số dự án góp vốn mua cổ phần (chủ yếu là đăng ký mua lại, thâu tóm doanh nghiệp Việt), các nhà đầu tư Trung Quốc đang đứng thứ 2 chỉ sau Hàn Quốc với hơn 593 dự án, (Hàn Quốc hơn 1.000 dự án) nhưng bỏ xa các vị trí sau đó là Nhật Bản và Singapore.
Về số vốn mua cổ phần, Trung Quốc đứng sau Nhật Bản, Singapore, tuy nhiên con số này không có giá trị bằng số dự án mà các DN Trung Quốc mua lại hoặc thâu tóm được kể trên.
Đó là chỉ tính riêng một mình các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục, nếu tính cả lãnh thổ Đài Loan và đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc), vốn thâu tóm DN Việt của Trung Quốc là 612 triệu USD, vượt qua Hàn Quốc, đứng vị trí số 1 về mua bán, thâu tóm DN Việt, chiếm 15% tổng số vốn mua bán và sáp nhập ở Việt Nam 9 tháng qua (4,1 tỷ USD). Đáng sợ hơn là số dự án mà Trung Quốc bỏ tiền mua cổ phần hiện chiếm gần 1/3 số dự án góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam (hơn 3.700 dự án).
Theo báo cáo của FIA, tổng số dự án góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam 9 tháng qua cao hơn gấp 2 lần so với số dự án được cấp mới (1.800 dự án) và gấp hơn 4 lần so với số dự án được tăng thêm vốn. Tuy nhiên, về số vốn, các dự án cấp mới và tăng thêm lại có tổng vốn cao hơn nhiều lần số vốn ở các dự án mua cổ phần.
Điều này cho thấy số dự án bị thâu tóm; dự án cổ phần hoá lên sàn, dự án có vốn ngoại tham gia mua vào đang tập trung nhắm vào các DN vừa và nhỏ, khu vực yếu thế trong nước đang cần vốn, muốn tham gia vốn với nước ngoài để làm ăn. Cũng chính vì các nhà đầu tư Trung Quốc hướng vào các dự án nhỏ, DN bé nên các thông tin về DN trong nước bị mua lại, thâu tóm không nhiều và không ồn ào như điều tương tự mà các DN Thái làm trong năm 2016 ở Việt Nam khi lần lượt 3 DN bán lẻ lớn Big C, Metro và Nguyễn Kim lần lượt rơi vào tay Thái Lan.
Tại buổi Toạ đàm về Kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) được tổ chức mới đây, Nhà nghiên cứu Trung Quốc, GS TS Đỗ Tiến Sâm, Viện Hàn Lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam khẳng định: Cần làm rõ việc vì sao Ngân hàng Công thương Trung Quốc đang có tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, có phải do ngân hàng này cho các ngân hàng của Việt Nam vay ngoại tệ để trả nợ, cho vay hay không, điều này cần làm rõ bởi nó dễ nảy sinh những rủi ro cho nền kinh tế khi hệ thống tài chính của Trung Quốc đang có nhiều yếu tố không ổn định.
Trên thực tế, các nhà đầu tư Trung Quốc đã và đang thực hiện "tour mua sắm" ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có cả Mỹ và một số nền kinh tế EU khác. Nhiều công ty lớn của các nước đã đứng lên phản đối, chặn đà xắn tay mua bán của các nhà đầu tư Trung Quốc trong đó có các nhà tư bản tại Mỹ, EU.
Theo tổ chức JLL, năm 2016, các doanh nhân Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền cho các thương vụ M&A nước ngoài, điển hình là ở Mỹ, giới tài phiệt Trung Quốc sở hữu khách sạn Waldorf Astoria ở New York, hãng phim làm ra Jurassic World, câu lạc bộ bóng đá Inter Milan, xe Volvo và rất nhiều công ty khác nữa. Hãng hóa chất China National Chemical còn đề xuất mua công ty sản xuất thuốc trừ sâu Thụy Sĩ - Syngenta với giá kỷ lục 43 tỷ USD.
Nguyễn Tuyền