Trung Quốc đổ vốn vào Việt Nam, nỗi sợ thâu tóm và công nghệ cũ
(Dân trí) - Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam trong 5 tháng qua với số vốn đầu tư đạt 1 tỷ USD, trong đó số lượt góp vốn mua cổ phần chiếm rất lớn. Số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) vừa công bố gần đây là minh chứng cho điều này.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của cả nước đạt 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. 19/21 ngành kinh tế được các nhà đầu tư chọn lựa, trong đó dẫn đầu là: công nghiệp chế biến, kinh doanh bất động sản và kinh doanh ô tô, xe máy...
Hàn Quốc tiếp tục là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn hơn 4,4 tỷ USD, Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với gần 2 tỷ USD, Singapore đứng ở vị trí thứ 3 với hơn 1,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 4 với số vốn 1 tỷ USD. Nếu tính cả số vốn đầu tư của vùng lãnh thổ Đài Loan hơn 820 triệu USD và Đặc khu kinh tế Hồng Kông hơn 550 triệu USD (thuộc Trung Quốc), vốn đầu tư có yếu tố Trung Quốc đạt khoảng 2,3 tỷ USD, xếp trên cả vốn của Nhật Bản, Singapore tại Việt Nam
Báo cáo của cơ quan Bộ KH&ĐT trích một phần riêng về số vốn góp mua cổ phần trong tổng vốn FDI, theo đó 5 tháng đầu năm số dự án góp vốn, mua cổ phần DN Việt có tốc độ tăng rất mạnh. So với cùng kỳ năm trước, tổng vốn góp mua cổ phần của các nhà đầu tư ngoại chỉ là hơn 820 triệu USD song 5 tháng năm 2017, số vốn này đã tăng lên 1,8 tỷ USD, gấp hơn 2 lần, tốc độ tăng trên 200%.
Số dự án góp vốn, mua cổ phần 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước từ 1.500 dự án lên hơn 2.000 dự án, tốc độ tăng trên 130%.
Trong các đối tác đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc mua bán cổ phần DN Việt nhiều nhất. Phía Hàn Quốc đã có hơn 580 lượt góp vốn, mua cổ phần DN Việt, còn Trung Quốc đại lục có hơn 300 lượt góp vốn mua cổ phần. Hai đối tác lớn là Nhật Bản, Singapore chỉ có từ 100 đến hơn 190 lượt góp vốn mua cổ phần, chiếm không đáng kể.
Nếu tính cả phần vốn góp mua cổ phần DN Việt của các nhà đầu tư đến từ vùng lãnh thổ Đài Loan, đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), số lượt góp vốn mua DN Việt có yếu tố Trung Quốc là hơn 568 lượt, chỉ đứng sau số lượt góp mua cổ phần của Hàn Quốc.
Điều đáng nói, tốc độ đầu tư của Trung Quốc thời gian gần đây tăng mạnh, so với cùng kỳ năm trước khi chỉ có gần 500 triệu USD, với chỉ 24 dự án góp vốn mua cổ phần DN Việt. Trong 5 tháng nay, tổng vốn của Trung Quốc đã tăng gấp 2 lần, trong đó vốn mua cổ phần tăng hơn 10 lần.
Gần đây, nhiều lo ngại của giới chuyên gia trong nước về vốn Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam ở hai phương diện: trực tiếp đầu tư và mua bán, sáp nhập DN. Về đầu tư trực tiếp, trước đây các nhà đầu tư Trung Quốc thường thông qua liên doanh với Đài Loan, hoặc qua kênh dẫn vốn từ Hồng Kông để tham gia dự án tại Việt Nam, nhiều nhất là: dệt nhuộm, may mặc, khai khoáng và thiết bị điện, sắt thép...
Tuy nhiên, thực tế khá nhiều dự án có yếu tố Trung Quốc với công nghệ lạc hậu, hủy hoại môi trường, công nghệ cũ của Trung Quốc đã bị bóc mẽ. Điều này đã gây mất thiện cảm đối với vốn đầu tư của họ tại Việt Nam, dù cho chúng ta không phân biệt đối xử với bất cứ nhà đầu tư nào.
Về nỗi lo DN bị Trung Quốc thâu tóm, cuối năm 2015 đến nay đã xuất hiện số DN dệt may tư nhân của Việt Nam ở Bình Dương, Hải Phòng phải bán mình cho Trung Quốc do thiếu đơn hàng hoặc không thể đứng một mình cạnh tranh về chi phí nhập nguyên liệu và đơn hàng với các DN dệt may Đài Loan, Hồng Kông. Điều này dẫn đến nguy cơ DN Việt dễ trao ngành hàng xuất khẩu hàng chục tỷ USD vào tay DN Trung Quốc.
Nguyễn Tuyền