1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Giá nhà đất sẽ tăng thêm 12% nếu bán nhà, sang tên sổ đỏ bị áp thuế VAT

(Dân trí) - Về quan điểm tăng thuế VAT đối với người có quyền sử dụng đất khi bán đi, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Ban soạn thảo đề nghị quyền chuyển sử dụng đất cũng phải chịu thuế giá trị gia tăng từ 10% - 12% là một tác động cực lớn đối với ngành bất động sản.

Tại Hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp (DN) về đề xuất sửa 5 Luật thuế của Bộ Tài chính mới đây được tổ chức tại Hà Nội hôm qua (14/9), nhiều DN trong các lĩnh vực, ngành hàng đều kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại và giải thích đầy đủ, minh bạch.

Tăng thuế VAT, giá nhà đất có thể đội lên 12%

Theo Dự thảo sửa đổi 5 Luật của Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) để chuyển sang chịu thuế VAT với mức thuế suất thông thường 10% và sửa đổi bỏ quy định giá tính thuế VAT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước.

Cảnh báo tăng VAT đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể khiến giá nhà đất tăng thêm 12%
Cảnh báo tăng VAT đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể khiến giá nhà đất tăng thêm 12%

Về quan điểm tăng thuế VAT đối với người có quyền sử dụng đất khi bán đi, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Ban soạn thảo đề nghị quyền chuyển sử dụng đất cũng phải chịu thuế giá trị gia tăng từ 10% - 12% là một tác động cực lớn đối với ngành BĐS.

Ông Hà dẫn chứng: Việc chuyển quyền sử dụng đất phải đóng thuế VAT nhưng đây chỉ là bán quyền sử dụng đất, bán nhà chứ không bán đất vì người dân không được quyền bán đất. Như vậy, quyền sử dụng mảnh đất ấy vẫn vậy. Hiện nay khi bán nhà, người dân phải đóng thuế trước bạ 0,2%, và thuế thu nhập cá nhân 2%. Với mức phí như thế đã có giá nhà cao hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/m2 rồi.

"Nếu chúng ta chuyển quyền sử dụng đất cũng phải đóng VAT thì thuế phí có thể tăng thêm từ 12-15%, tăng 7 lần so với trước đây. Trong trường hợp như vậy, VAT của rượu bia, nước giải khát tăng thêm 2% thì VAT đối với nhà đất sẽ tăng từ 5 - 7%, thậm chí 12% làm cho thị trường nhà ở chúng ta ngày càng đen tối hơn", ông Hà nói.

Động cơ của tăng thuế VAT và Thuế TTĐB bị nghi ngờ?

Cũng tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Sửa một lúc 5 luật thuế trong đó có thuế VAT và Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong khi các phương án đưa ra rất sơ sài, căn cứ đưa ra cũng thiếu thuyết phục khiến dư luận hoang mang.

Bà Lan nói: Tôi muốn hỏi Bộ Tài chính, đề xuất tăng thuế VAT và TTĐB, Bộ đã đánh giá được thu bao nhiêu ngân sách hay chưa, có tính bền vững hay không. Có ý kiến cho rằng ta càng thất thu thêm. Tình cảnh của ngân sách là cơ cấu thu luôn bị xoáy sâu, bám chặt và không còn kẽ hở. Trong khi đó, cơ cấu chi lại chưa được cải cách, chi nuôi bộ máy vẫn quá lớn, quá sức chịu đựng.

"Ngay tại hội nghị ở Bộ Tài chính tôi đã nói không chờ đợi gì báo cáo đánh giá tác động của Bộ. Chúng tôi muốn người độc lập đánh giá thì sẽ công bằng, minh bạch hơn về vấn đề tăng thuế này?", bà Lan nói.

Về khía cạnh tác động của chính sách, Bộ Tài chính chưa hề có đánh giá tác động đối với các ngành, lĩnh vực. Những ngành nào thua thiệt nhiều nhất, tại sao lại khuyến khích ngành nọ, không khuyến khích ngành kia... Chính sách ra đời phải cân bằng, hài hoà và dự đoán tác động để giảm rủi ro cho DN.

Theo bà Lan, tính chất ổn định của thuế là hết sức quan trọng. Sửa 5 Luật cùng 1 lúc nhưng chưa đi vào chi tiết, cụ thể. Sắp tới lại sửa tiếp thì có đảm bảo tính thống nhất hay không hay tất cả gánh nặng dồn hết lên vai người nộp thuế?

Sao đánh thuế TTĐB vào dinh dưỡng trẻ em?

Theo ông Nguyễn Hồng Huy, đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Khi tiếp cận đối với chính sách tăng 5 loại thuế, cộng đồng DN châu Âu khuyến cáo Việt Nam cân nhắc kỹ có nên tăng không bởi nó sẽ làm tăng giá tất cả các loại giá.

Với điều kiện hiện nay, Việt Nam nên giữ nguyên mức thuế VAT 10% như các nước ASEAN. Với Thuế TTĐB bản chất là hạn chế và định hướng tiêu dùng thì cần có sự rach ròi và đánh giá tác động trước khi thực thi. Tuy nhiên, đối với nhiều sản phẩm, ngành hàng, chính sách của Bộ Tài chính đưa ra những khái niệm chung chung, mơ hồ.

Như đánh thuế TTĐB vào nước ngọt nhằm mục đích giảm tiêu thụ sản phẩm gây béo phì, giảm tiêu thụ sản phẩm tiềm ẩn ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, chưa ai có đánh giá đúng là béo phì có do nước ngọt gây nên bởi trên thế giới, ngay ở Việt Nam béo phì do chủ yếu đồ ăn nhanh.

Khái niệm nước ngọt được hiểu khá chung chung, do đó áp dụng thiếu công bằng, minh bạch, những sản phẩm dùng y học trẻ em sẽ bị áp thuế cao, ảnh hưởng đến cộng đồng

Đặc biệt, trên thị trường hiện có sản phẩm bổ sung dinh dưỡng công thức dạng lỏng, có đường không làm từ sữa, không được gọi là sữa và vẫn được xếp vào nhóm nước ngọt. Nếu đánh là đánh thuế TTĐB sẽ nhắm vào đối tượng là trẻ em, những người phải hạn chế sử dụng các loại sữa vì bệnh tật, ăn kiêng.

Bên cạnh đó, nước trái cây chủ yếu là nước điều vị, khó có loại nước nào có 100% là chiết xuất từ tự nhiên. Cùng với đó là trà - đây là sản phẩm thiên nhiên, nhiều nước muốn người dân sử dụng, nước ta còn sản xuất, xuất khẩu trà, nên đánh thuế TTĐB sẽ tăng gánh nặng, tăng giá.

An Linh