Sáu lần "vỡ" tiến độ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông:

Gánh nặng lãi vay liên tục tăng

Với lý do chưa có tiền nhập thiết bị và trả nợ cho các nhà thầu phụ, Tổng thầu Trung Quốc tại dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông vừa đề xuất lùi kế hoạch chạy kỹ thuật thêm 11 tháng. Đây là lần thứ 6 dự án bị lùi tiến độ hoàn thành. Dự án bị chậm, đồng nghĩa với việc Chính phủ đang phải trả lãi vay lên đến cả tỷ đồng mỗi ngày.


Đã bị chậm hơn 2 năm và đội giá trên 7.000 tỷ đồng, nhưng ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vẫn trước nguy cơ chậm thêm 1 năm nữa. Ảnh: Anh Trọng.

Đã bị chậm hơn 2 năm và đội giá trên 7.000 tỷ đồng, nhưng ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vẫn trước nguy cơ chậm thêm 1 năm nữa. Ảnh: Anh Trọng.

6 lần lùi tiến độ vẫn mịt mù ngày về… đích

Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có kế hoạch vận hành kỹ thuật vào tháng 10/2017, tuy nhiên đến nay (đã hơn 1 tháng trôi qua) người dân Thủ đô vẫn chưa thấy tàu đô thị lăn bánh. Trong khi đó, Tổng thầu EPC Trung Quốc là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc vừa đưa ra đề xuất với chủ đầu tư (Bộ GTVT) lùi thời gian chạy kỹ thuật dự án đến đầu tháng 9/2018 (chậm thêm 11 tháng), vận hành khai thác thương mại vào tháng 11/2018.

Trước đề xuất trên, Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án đường sắt rà soát, kiểm tra lại tiến độ các hạng mục, sau đó Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2018. Với lần lùi tiến độ này là lần thứ 6 dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông lỡ hẹn về đích với người dân Thủ đô.


Ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên đường Nguyễn Trãi, ngay dưới chân công trình Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Như Ý.

Ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên đường Nguyễn Trãi, ngay dưới chân công trình Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Như Ý.

Trong đề xuất lùi thời gian vận hành, đại diện Tổng thầu EPC Trung Quốc cho biết, do nhiều thiết bị phục vụ cho việc đưa các đoàn tàu vào hoạt động chưa được lắp đặt đầy đủ, các đoàn tàu cũng mới chỉ nhập được 5 trên tổng số 13 đoàn. Cùng với đó, Tổng thầu cũng thông tin, hiện Tổng thầu đang nợ của các nhà thầu Việt Nam hơn 600 tỷ đồng.

Thông tin lý do phía Tổng thầu đưa ra đề xuất trên, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, mặc dù khoản vay bổ sung hơn 250 triệu USD cho dự án đã được đại diện hai Chính phủ ký kết hiệp định từ tháng 5/2017, tuy nhiên đến nay số tiền này vẫn chưa được phía ngân hàng Eximbank Trung Quốc giải ngân. Trong khi đó nhiều hạng mục của dự án đã cần đến khoản tiền này từ năm 2016.

Theo ông Phương, đây là số vốn được sử dụng cho mua sắm thiết bị, trong đó có 13 đoàn tàu, cùng với đó là hoàn thiện kỹ thuật đường ray, 12 ga trên tuyến. Lý giải, nguyên nhân phía ngân hàng Eximbank Trung Quốc chưa giải ngân, đại diện Bộ GTVT cho biết, sau khi đại diện hai Chính phủ ký hiệp định, phía Eximbank Trung Quốc yêu cầu phải có thêm thư pháp lý (văn bản hướng dẫn thực hiện) của đại diện hai Chính phủ.

“Văn bản này hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp thực hiện và gửi đi. Việc cấp vốn bổ sung theo nội dung trên để hoàn thiện dự án đang phụ thuộc vào việc giải ngân của phía cho vay”, đại diện Bộ GTVT nói. Như vậy, tuy đề xuất lùi thêm 11 tháng nhưng nếu tiến độ giải ngân của gói vay thêm 250 triệu USD tiếp tục gặp trục trặc từ bên cho vay thì tiến độ hoàn thành dự án vẫn mịt mù ngày tàu lăn bánh.

Chậm thêm 11 tháng, trả lãi trên 300 tỷ đồng

Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011 và có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015 (48 tháng thi công). Đến nay, dự án đã bị chậm 2 năm 6 tháng, thậm chí nhiều hạng mục còn chưa xong. Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT vừa cho biết, hiện dự án đã hoàn thành trên 95% khối lượng công việc, 5% còn lại chủ yếu là lắp đặt thiết bị, hoàn thiện hạ tầng.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong trong những ngày qua, các gói thiết bị như hoàn thiện đường ray, lắp thiết bị chiếu sáng, đèn điều khiển tại trạm đề-pô đang thi công dang dở. Với hạng mục hoàn thiện hạ tầng, lắp đặt thang máy, hệ thống kiểm soát tại 12 ga… theo tiến độ đã phải hoàn thành từ năm 2016, thực tế đến nay trừ ga La Khê (Hà Đông) đã cơ bản hoàn thành để trưng bày đoàn tàu mẫu, 11 ga còn lại chỉ có bộ khung được xây lên, bên trong rỗng tuếch. Toàn bộ công trường lác đác công nhân thi công, ban đêm chìm trong bóng tối. Với các nhà ga vành đai 3, Phùng Khoang, Đại học Quốc gia… do thi công dở dang nên mỗi khi trời mưa, nước lại tràn vào lênh láng nhiều ngày. Hiện tại hệ thống đường ray và đinh gim kim loại từ màu đen nay chuyển sang màu vàng nghệ…

Cung với chậm 2 năm, nếu đề xuất lùi thời gian khai thác kỹ thuật của Tổng thầu được chấp thuận, dự án ĐSĐT sẽ bị chậm tổng cộng 3 năm. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án từ 552 triệu USD (tương đương 8.770 tỷ đồng) đến nay đã tăng lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỷ đồng), sau 2 năm chậm tiến độ dự án đã bị đội giá thêm 339,1 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng, gần 40%), nếu bị chậm thêm 1 năm nữa không ai có thể cam kết dự án sẽ không đội giá.

Căn cứ vào hợp đồng EPC và tiến độ giải ngân của dự án, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, do hợp đồng vay vốn để thực hiện dự án chỉ triển khai trong vòng 48 tháng và đến nay đã giải ngân hết tổng mức đầu tư trên. Từ thực tế này, bên cho vay vốn có đủ cơ sở để tính lãi xuất. “Chưa cần tính 2 năm chậm tiến độ, chỉ tính riêng 11 tháng Tổng thầu EPC Trung Quốc đề xuất lùi vận hành kỹ thuật, với lãi vay thương mại ưu đãi trung bình 3%/năm cho khoản 552 triệu USD, mỗi ngày chủ đầu tư sẽ phải trả lãi xuất khoảng 1 tỷ đồng, cả 11 tháng là khoảng 330 tỷ đồng”, đại diện Hội Cầu đường Việt Nam phân tích.

Theo TS Nguyễn Văn Tỵ, Bộ môn Đường sắt, trường Đại học GTVT, số tiền lãi của dự án hằng tháng là không nhỏ, căn cứ theo nguyên tắc, dự án chỉ trả lãi khi đã hoàn công và đi vào khai thác. Số tiền lãi trên là do dự án bị kéo dài thời gian thi công, vậy nên nếu đề xuất trên được chấp thuận thì Tổng thầu EPC Trung Quốc và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, không thể tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD, lãi suất 3% năm; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam: 133,86 triệu USD). Dự án dài hơn 13km với 12 nhà ga trên cao. Đến nay dự án đã bị chậm tiến độ 2 năm 6 tháng, dự án đến nay cũng bị đội giá thêm 250 triệu USD (từ 552 lên 891 triệu USD). Chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đường sắt); Tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Cty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Trung Quốc).

Theo Anh Trọng
Tiền Phong

Gánh nặng lãi vay liên tục tăng - 3