1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

EVN "trần tình" về giá điện tăng vọt

(Dân trí) - Lý giải trước tình trạng giá hóa đơn tiền điện tăng vọt, đại diện EVN cho hay: “Tập đoàn đã giải thích thỏa đáng tất cả những khiếu nại của người dân và khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện”.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho biết như vậy trong buổi giao ban thường kỳ 6 tháng đầu năm tại Bộ Công Thương diễn ra hôm nay (1/7).

Theo Phó Tổng Giám đốc của EVN, việc cho khách hàng kiểm soát quá trình ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng nhằm đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động EVN, tránh sai sót, rắc rối có thể xảy ra.

Ng
Người dân, doanh nghiệp sẽ được kiểm soát việc ghi công tơ điện hàng tháng của EVN

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Lý giải về tình trạng một số hộ dân cho biết giá hóa đơn tiền điện tăng, ông Anh cho rằng: “Tập đoàn đã giải thích thỏa đáng tất cả những khiếu nại của người dân và khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện”.

Liên quan đến biểu giá điện tính theo lũy tiến của Bộ Công Thương ban hành khiến nhiều người cho rằng quá cao và là nguyên nhân khiến giá hóa đơn tiền điện gia tăng, ông Anh khẳng định: biểu tính giá này được đưa ra và căn cứ trên quy định pháp luật, cũng như chủ trương chính sách của Bộ Công Thương. Do đó, trước những phản hồi của dư luận và các chuyên gia liên quan đến biểu tính giá điện mới, khiến cho giá điện tăng cao, đại diện EVN cho biết đã và đang giải thích cho khách hàng.

Trước đó ngày 30/6, trong buổi họp báo của Bộ Tài Chính, Cục Quản lý giá đã khẳng định về việc nếu xảy ra sai sót trong ghi công tơ số điện sai thì trách nhiệm kiểm tra, xử lý thuộc về ngành điện. Còn nếu cách tính điện theo lũy tiến, bậc thang của Việt Nam được các chuyên gia chứng minh là bất hợp lý thì cơ quan của Bộ Tài Chính, Công Thương sẽ nghiên cứu và xem xét.

Cũng tại buổi giao ban này, Bộ Công Thương khẳng định trong 6 tháng đầu năm 2015 tình hình sản xuất, cung cấp điện khá ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho đất nước. Sản lượng điện 6 tháng đầu năm ước đạt trên 75,6 tỷ kWh, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm 6 tháng ước đạt 68,4 tỷ kWh, tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Liên quan đến các vấn đề về thị trường điện, tại Hội thảo Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 1/7, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khẳng định: cần cải cách thể chế điều hành điều hành việc sản xuất và phân phối điện năng để có được thị trường điện cạnh tranh.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Sẽ không có thị trường cạnh tranh nếu EVN ôm hết cả vai trò là nhà sản xuất (doanh nghiệp) và vai trò điều tiết, phân phối, bán lẻ (quản lý nhà nước). Chừng nào chúng ta chưa giải quyết được mâu thuẫn lợi ích trong điều hành quản lý điện của EVN thì chừng ấy chúng ta chưa thể có được thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, chưa thể thu hút được DN tham gia đầu tư và cung ứng điện”.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM thì: cần nhanh “tách” các cơ quan điều tiết điện lực ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng cơ quan điều tiết điện lực độc lập thì ngành điện mới thực hiên giám sát nghiêm túc và cải cách dễ dàng được”.

Lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam (VCGM) hiện đang được hình thành theo 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh (2005-2014), bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022). Và hiện chúng ta đang ở bước cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh với hơn 50 đơn vị tham gia, chiếm gần 43% công suất toàn hệ thống điện.

Nguyễn Tuyền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”