Đổi 700 ha đất lấy 5 con đường: Chuyên gia lo kém minh bạch, Hà Nội nói gì?
(Dân trí) - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa lên tiếng giải thích về việc TP. Hà Nội chấp thuận đổi khoảng 700 ha đất lấy 5 tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Nhà đầu tư chỉ khai thác đc 26% diện tích đất được giao
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có văn bản giải thích về việc TP. Hà Nội chấp thuận đổi khoảng 700 ha đất lấy 5 tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Cụ thể theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội đã đồng ý cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng 5 tuyến đường theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đổi lại, Thành phố giao nhà đầu tư khoảng 700 ha đất đối ứng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, đây là các dự án đã được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND TP Hà Nội báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Nguyên nhân được Sở này đưa ra là do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn nên từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng. Trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT.
Việc thực hiện các dự án BT của Hà Nội được khẳng định “đều tuân thủ các quy định tại Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án được các cơ quan chuyên môn của Hà Nội thẩm định kỹ; quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất…”
Đáng chú ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, diện tích đất giao cho các dự án làm đường trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch và họ chỉ được khai thác một phần diện tích đất đó.
“Thực tế, bình quân nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất được giao để hoàn vốn cho công trình BT”, văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết.
Lo kém minh bạch, nhiều hệ luỵ
Liên quan đến hình thức đầu tư BT, nhiều báo cáo của cơ quan kiểm toán, thanh tra liên tục chỉ ra những bất cập đối với nhiều dự án theo hợp đồng kiểu “đổi đất lất hạ tầng” này.
Mới đây nhất, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước 2016 gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Theo văn bản này, kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT mắc nhiều vi phạm.
Cụ thể, hầu hết dự án BT lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Cùng với đó, các đơn vị thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013.
"Đây là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá", Kiểm toán Nhà nước nhận định.
Còn nhớ tại một hội thảo diễn ra cuối năm 2017, ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước cho rằng, sau một thời gian tạm lắng xuống của hình thức đầu tư này, đặc biệt là khi thị trường bất động sản hết cơn "sốt nóng", hàng loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực, dẫn đến không ít dự án trong tình trạng triển khai dở dang, kém hiệu quả.
So với dự án BOT thì dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp để thanh toán cho dự án BT và cũng ít thông tin hơn về các dự án này. Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương, ông Phước cho biết.
Tại Hà Nội, hồi tháng 7/2017, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó cho thấy việc thực hiện các dự án theo hình thức BT trên địa bàn Hà Nội đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, sai phạm.
Trên thực tế, tại thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT nhưng chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại là chỉ định thầu.
Cũng do sai phạm trong quá trình thẩm định năng lực nhà đầu tư nên hầu hết các dự án đều chậm tiến độ do năng lực tài chính hoặc bố trí vốn chủ sở hữu cho dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân như cam kết…
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT đã được UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm tăng tổng mức đầu tư dự án.
Trong khi đó theo các chuyên gia, không nên áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó nếu ngân sách khó khăn có thể đem đấu giá đất. Sau đó dùng tiền đấu giá được để làm hạ tầng. Còn nếu đầu tư theo hình thức BT như cách đang thực hiện hiện nay không được minh bạch, có thể tạo ra nhiều hệ lụy.
Trao đổi Dân trí sáng 25/6 về việc vì sao Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai các dự án BT mặc dù hình thức này được cho rằng kém minh bạch, ông Vũ Duy Tuấn - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: Chiều mai (26/6), tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, Sở sẽ trả lời rõ các vấn đề này.
Nguyễn Khánh