1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp xây dựng trả chi phí lót tay cao nhất so với các ngành

(Dân trí) - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, ngành xây dựng vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp “sân sau”. Đồng thời doanh nghiệp ngành này cũng đang phải trả chi phí không chính thức cao nhất so với các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.

74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để có thông tin.
74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để có thông tin.

74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để có thông tin

Thông tin trên được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết tại Hội nghị lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra ngày 29/3.

Theo ông Lộc, thực tế cho thấy lĩnh vực xây dựng vẫn còn nhiều quy định, nhiều chính sách và cả việc thực thi của các cán bộ nhà nước chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

“Nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết như chưa có hành lang pháp lý cho condotel; tình trạng quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện vẫn diễn ra. Nội dung giấy phép xây dựng và thủ tục cấp, điều chỉnh còn phức tạp…”, ông Lộc nói.

Đáng lưu ý, từ kết quả điều tra năng lực cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố, Chủ tịch VCCI cho biết vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được tập trung tháo gỡ. Chẳng hạn như các thủ tục hành chính liên quan nhiều nhất đến doanh nghiệp, thì thủ tục cấp phép xây dựng có mức độ chuyển biến chậm, xếp thứ 7/11 lĩnh vực được khảo sát.

“Thứ hai, doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp phải có mối quan hệ với chính quyền để thuận tiện trong kinh doanh trong ngành xây dựng cũng được nhiều doanh nghiệp phản ánh. Có đến 74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để tiếp cận thông tin”, ông Lộc nói.

Cũng theo vị này, các doanh nghiệp xây dựng đang là những doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cao nhất so với các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.

PGS.TS. Trần Chủng - Trưởng ban chất lượng, Tổng hội xây dựng Việt Nam Việt Nam cũng cho biết nhiều doanh nghiệp xây dựng “run sợ” mỗi khi xuất hiện một loại giấy phép và được gọi là “giấy phép con”.

Đặc biệt theo ông Chủng, nhiều khi việc triển khai không được đúng như mong đợi do cán bộ thực thi “gây nhũng nhiễu để tham nhũng”.

Kể câu chuyện đại sứ Việt Nam khi xây toà nhà đại sứ quán ở Tokyo dù phải xin phép đến 47 lần vẫn không hề cảm thấy phiền hà, ông Chủng cho rằng các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường thanh tra công vụ để kiểm soát hành vi nhũng nhiễu của các công chức cán bộ Việt Nam.

Bộ trưởng Xây dựng hứa sẽ tiếp thu

Theo phản ánh của các chuyên gia tại hội nghị, một trong các lý do để tạo cơ hội nảy sinh chi phí không chính thức đó chính là sự “rối rắm” của thủ tục. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam còn gọi các thủ tục hành chính ngành xây dựng như “mê hồn trận”.

Ông Hiệp lấy ví dụ, để thẩm định một dự án đầu tư xây dựng chắc chắn phải làm việc Bộ Xây dựng, nhưng nếu có đất đai lại phải làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, với Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy, chưa kể chiều cao tĩnh không phải qua Bộ Quốc phòng.

“Như vậy chủ đầu phải làm việc với 4 nơi độc lập mà không có cửa thống nhất để làm đầu mối giải quyết”, ông Hiệp nói. Cũng theo ông Hiệp, khi muốn làm một dự án đi qua 6 cơ quan, 6 cửa khác nhau để xin ý kiến với nhiều thủ tục.

Ông Hiệp cho rằng đây chính là một trong các nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài luôn xác định thà mua lại dự án (M&A) với chi phí cao hơn nhưng họ không phải làm trực tiếp để rồi phải đi vào “mê hồn trận” thủ tục của Việt Nam.

Trước các ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ đang soạn thảo dự án 1 luật sửa 4 luật liên quan đến xây dựng gồm Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị.

Lý do chính của việc sửa luật này là nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng như đảm bảo tương thích với Luật Quy hoạch mới được Quốc hội thông qua.

Theo Bộ trưởng Hà, tinh thần của Chính phủ là các ngành chuyển mạnh sang “hậu kiểm”. Tuy nhiên ngành xây dựng có đặc thù đó là kiểm tra, kiểm soát không tốt sẽ ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng người dân, do vậy việc chuyển đổi như thế nào cũng được xem xét, cân nhắc kỹ.

Bên cạnh đó ông Hà cũng khẳng định sẽ tiếp thu mọi ý kiến của doanh nghiệp, song quá trình xem xét sửa đổi sẽ đặt lợi ích xã hội đặt lên hàng đầu. Đồng thời chỉ sửa đổi, bổ sung những gì đã đánh giá được tác động.

“Đối thoại cũng không chỉ dừng ở đây mà còn tiếp tục ở một số hội nghị nữa, chúng tôi sẽ làm thường xuyên liên tục và muốn nghe các vị nói thẳng nói thật nói hết, cả ý kiến gay gắt cũng muốn lắng nghe” Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Nguyễn Khánh

Doanh nghiệp xây dựng trả chi phí lót tay cao nhất so với các ngành - 2