Doanh nghiệp nước mắm có quyền kiện Vinastas vì thông tin gây thiệt hại!

(Dân trí) - "Sau khi có kết luận về công bố thông tin sai sự thật, tất cả các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi thông tin đó có thể làm đơn khiếu nại hoặc yêu cầu VINASTAS xin lỗi, gửi thông tin đính chính trên các phương tiện thông tin báo chí, và đòi đền bù thiệt hại".

Đây chia sẻ của Luật sự Nguyễn Thế Truyền, Chủ tịch Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh trước những lo lắng về thiệt hại của các cơ sở nước truyền thống tại buổi giao lưu trực tuyến “Cuộc chiến nước nắm và nỗi niềm người sản xuất” do báo Dân Việt tổ chức sáng 23/10.

Theo ông Truyền, các DN nước mắm nếu xác định được ảnh hưởng thông tin của Vinastas về nước mắm arsen có thể đưa ra chứng minh về thiệt hại thông qua doanh số theo tháng, quý, thiệt hại cho sản xuất, chi phí công nhân…Nếu VINASTAS không đồng ý, không thoả thuận với các DN, họ có quyền khởi kiện vì thông tin sai sự thật, gây thiệt hại.

Các cơ sở sản xuất nước mắm đã và đang gánh chịu những tác động trực tiếp từ thông tin không khách quan mà Vinastas đưa ra trước đó về hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng cho phép trong nước mắm độ đạm cao.
Các cơ sở sản xuất nước mắm đã và đang gánh chịu những tác động trực tiếp từ thông tin không khách quan mà Vinastas đưa ra trước đó về hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng cho phép trong nước mắm độ đạm cao.

"Các doanh nghiệp có thể khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo luật dân sự. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên có động thái cụ thể. Việc lên tiếng hôm nay, không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt, mà còn tạo ra thói quen tuân thủ pháp luật của tất cả các bên trong xã hội hiện nay. Làm tiền đề cho các DN tự do cạnh tranh phát triển một cách lành lạnh, chứ không phải dùng các chiêu trò", ông Truyền nêu.

Ngoài khía cạnh ảnh hưởng của thông tin mập mờ của Vinastas đưa ra, dư luận đang có nghi vấn có doanh nghiệp đứng đằng sau tác động đến việc Vinastas công bố quy định arsen tổng, trong đó ám chỉ nước mắm truyền thống, có độ đạm càng cao, arsen tổng càng lớn.

Thực tế, tại buổi họp báo ngày 17/9 tại Hà Nội, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho hay: Kinh phí để hội này tiến hành khảo sát hơn 150 mẫu, trên 19 tỉnh là do một nhà tài trợ. Tuy nhiên, từ chối nêu tên.

Sau đó một ngày, trả lời báo chí, ông Tuấn tiếp tục khẳng định: "Hội không có sự tiếp tay của doanh nghiệp. Hội đưa thông tin để người tiêu dùng biết, nhà quản lý biết.... Hội làm đúng theo luật pháp, đúng bài bản và đúng trách nhiệm của mình. Doanh nghiệp nào bị công bố nếu chứng minh được mình đúng mà kiện chúng tôi ra tòa thì chúng tôi sẵn sàng hầu tòa đến cùng".

Theo Luật sư Truyền: "Nếu chứng minh được, có một doanh nghiệp sản xuất nước mắm tài trợ đứng sau chiến dịch vừa rồi, tôi khẳng định họ đã vi phạm pháp luật rất nặng.

Về luật cạnh tranh, họ đã vi phạm Khoản 3, Điểm A, Điều 45 Luật cạnh tranh có ghi rõ trách nhiệm trong việc đưa thông tin gian dối cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất.

Theo ông Truyền, ngày 17.10 các tiểu thương nhận được các tờ rơi nói rất rõ, nước mắm có arsen là không an toàn, không có arsen mới là an toàn. Đây là căn cứ rất mạnh để các cơ quan chức năng có thể xử lý.

Là cơ sở nước mắm truyền thống bị vạch mặt, nêu tên trong danh sách được truyền tay nhau về các mẫu chứa arsen, ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty CP nước mắm Vạn phần: Cơ sở chúng tôi cũng nằm trong tình cảnh tương tự, có rất nhiều khách hàng đòi hỏi cần giải thích rõ về vấn đề này, yêu cầu cơ sở giải thích chứng minh về các thông số nước mắm của chúng tôi đối với hàm lượng asen.

Ông Đại cho rằng đã rất bất ngờ và ngạc nhiên bởi chỉ sau 7 ngày diễn ra Hội thảo “Nước mắm truyền thống - Bảo tồn và phát triển sản phẩm”, Vinastas đã tiến hành khảo sát, kiểm tra được một số lượng mẫu khổng lồ, với chi phí kiểm nghiệm không nhỏ đã có một báo cáo gọn gàng như vậy.

"Phải nói năng lực của Hội là rất siêu, tuy nhiên kiểm tra và thông báo rất tùy tiện, chỉ phản ánh đúng một chỉ tiêu mà trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107/2003 dành cho nước mắm lại không có quy định. Vì tôi đã công tác 30 năm tại công ty mà chưa thấy việc nào xảy ra như thế này. Do đó tôi nghi ngờ kết quả này không phải là của VINATAS mà là một báo cáo sẵn có của một đơn vị có sản phẩm khác với nước mắm truyền thống. Nếu nhầm lẫn kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” kiểu này thì làm sao bảo vệ được quyền lợi của khách hàng", ông Đại cho hay.

Ông Lê Anh, chủ cơ sở nước mắm tại Thanh Hóa cho hay, ngay sau khi có thông tin Vinastas đưa ra, việc đầu tiên của cơ sở này là liên hệ với chuyên gia tư vấn để tự bảo vệ chính mình.

"Chúng tôi đã liên hệ với các là nhà khoa học và các chuyên gia độc lập khác để được tư vấn, chúng tôi là nhà sản xuất nên chắc chắn phải tin vào nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. Một số khách hàng để ngỏ khả năng mua tiếp sản phẩm của chúng tôi. Những ngày đó rất căng thẳng, có rất nhiều cuộc gọi đến để làm rõ vấn đề đó. Chúng tôi được phản hồi là những thông tin vừa qua là không đúng sự thật. Và trước dư luận, chúng tôi vẫn đưa mẫu đi ra Hà Nội phân tích để có bằng chứng khoa học", ông Anh cho hay.

Nguyễn Tuyền