Doanh nghiệp bức xúc cao độ với muôn cách "hành" của các đoàn thanh tra

“Bất kể ai, lực lượng nào cũng có thể vào doanh nghiệp kiểm tra được” - đại diện một doanh nghiệp than thở.

Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về điều kiện kinh doanh do Bộ NN&PTNT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 18/4 ghi nhận nhiều chia sẻ cay đắng và “trần trụi” của nhiều DN.

Ai cũng vào kiểm tra được

Bà Trịnh Tú Anh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Đô là người phát biểu gần cuối cùng. Bà nói về việc DN thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy phải qua nhiều vòng rất nhiêu khê.

“Tất cả đã rõ ràng rồi, thế mà DN còn phải mang hồ sơ lên Cục Bảo vệ thực vật để tiếp nhận. Mà lên thì họ còn phải giở đi giở lại chứ không phải đơn giản đâu…” - bà Tú Anh nói.

Đặc biệt, về công tác kiểm tra, thanh tra, bà Tú Anh cho biết: “Bất kể ai, lực lượng nào cũng có thể vào DN kiểm tra được”. Dù đồng tình quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường là cần thiết nhưng bà Tú Anh khẳng định: “Họ đi kiểm tra kiểu như thế làm DN rất bực bội, mệt mỏi”.

Bà Tú Anh còn đưa ra ví dụ cụ thể là các lực lượng kiểm tra hầu như đều chú ý vào tem, nhãn và truy hỏi tại sao không có nhãn tiếng Việt. “Chai thuốc bé tí mà bắt in hướng dẫn dài cả trang thì in làm sao? Cái gì đơn giản được thì đơn giản đi” - bà Tú Anh nói.

Cay đắng hơn, ông Nguyễn Khánh Trình, người sáng lập CleverAds - đối tác ủy quyền đầu tiên về quảng cáo của Google và Facebook tại Việt Nam, hiện đang là CEO của chuỗi thực phẩm sạch mang tên “Sói Biển trung thực”, kể: “Thời gian rất ngắn vừa qua, công ty chúng tôi phải tiếp tới 20 đoàn thanh tra. Chúng tôi phải lập một bộ phận tiếp đón riêng gồm ba người”.

Doanh nghiệp bức xúc cao độ với muôn cách "hành" của các đoàn thanh tra - 1

Ông Trình kể: Nhân viên của ông toàn người trẻ, nhìn thấy các anh chị thanh tra, kiểm tra đằng đằng sát khí, còi hú inh ỏi thì sợ và ông phải trấn an. “Tôi biết trước nếu tôi nói như thế này hay như trên Facebook thì sẽ ảnh hưởng tới công ty của tôi nhưng tôi vẫn nói. Tôi xác định nếu có điều tồi tệ nhất xảy ra thì DN của tôi sẽ phải đóng cửa nhưng không có vấn đề gì cả”.

Tin rằng các quy định của pháp luật và chủ trương của Chính phủ không phải đề ra các quy định, lập các đoàn thanh tra để thanh tra người tốt nhưng ông Trình cho rằng: Việc ông nói lên những thực tế về thanh tra, kiểm tra là để tình hình trở nên tốt đẹp hơn.

“Chúng tôi thực sự là rất lao tâm khổ tứ, đây là một thực tế trần trụi của DN. Tôi không thấy chịu được nữa tôi mới tham gia các hội nghị do Nhà nước tổ chức về các vấn đề pháp lý để nói thay cho những DN bé nhỏ hơn tôi… Tôi có thể cung cấp chi tiết danh sách các đoàn thanh tra, kiểm tra đến theo từng ngày, từng giờ. Tôi không đưa ra gì sai sự thực về những nỗi khổ của DN” - ông Trình nói.

“Trên mở, dưới bóp”

Ông Lê Hồng Nhu, Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, tỏ ra bức xúc vì có nhiều điều ông đã phát biểu tới bốn lần, ở cả Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội mà vẫn không được chấp nhận.

“Luật Trồng trọt nói khi công nhận giống cây trồng thì chỉ cần lập một hội đồng nhưng hướng dẫn thì lại bảo phải lập bốn hội đồng. Luật quy định có giống mới thì sản xuất thử hai lần nhưng hướng dẫn bảo phải ba lần. Luật không quy định diện tích nhưng hướng dẫn thì bắt diện tích vườn ươm hàng chục, hàng trăm hecta” - ông Nhu liệt kê và nói nếu đợt tới sửa Luật Trồng trọt mà những điều này không sửa, ông sẽ kiến nghị lên Quốc hội.

Mặt khác, ông Nhu còn đặt vấn đề: “Dược liệu, rau cỏ, hoa, tồn tại ngoài thực tế hàng chục ngàn loại. Luật giờ bảo nếu Chính phủ không công bố thì dân không được sản xuất. Giờ ai công bố?”. Bởi thế, ông Nhu đề nghị cứ căn cứ vào quy chuẩn đã có. DN công bố rồi trồng. Bắt DN đăng ký mới được sản xuất thì không phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Khiên, Hiệp hội Hóa chất nông nghiệp TP, thì cho rằng: Chính phủ đã đưa ra thông báo và quyết định hậu kiểm chứ không tiền kiểm như trước kia. Thực tế thuốc bảo vệ thực vật là 100% nhập khẩu nhưng ngành nông nghiệp vẫn tiền kiểm.

“Khi được hỏi vì sao lại tiền kiểm thì họ trả lời là “đặc thù”. Chúng tôi chả biết đặc thù là gì” - vị đại diện này nói. Ông còn kể hàng hóa nhập khẩu, giờ về tới nơi là dừng tại cảng, chờ các cơ quan chức năng xuống lấy mẫu về kiểm tra. “Lâu vô cùng. Mỗi ngày lưu kho thì DN mất phí. Nếu lấy mẫu vào ngày thứ Sáu thì chúng tôi mất cả phí cho ngày thứ Bảy, Chủ nhật” - vị đại diện nói.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn trấn an rằng: Tổ công tác của Thủ tướng đã có báo cáo về công tác kiểm tra chuyên ngành. Và thực sự lĩnh vực này đang có những chuyển động tốt.

DN phải học ngành sinh học

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, phản ánh: Hiện giờ có quy định các nhà máy, nhà kho thuốc bảo vệ thực vật phải vào trong khu công nghiệp.

“Nhiều nhà máy vài chục tỉ, hàng trăm tỉ bắt phải vào khu công nghiệp liệu có khả thi không? Chỉ cần áp quy định này là nhiều DN phá sản. Rất nguy hiểm” - ông Sơn nói.

Rồi còn có quy định chủ DN phải học ngành sinh học. “Tôi đề nghị bỏ quy định này đi. Nhiều công ty có hội đồng cố vấn toàn GS, PGS đầu ngành…, ông chủ không cần phải đi học sinh học nữa. Điều này không thực tế” - ông Sơn nói.

Theo Chân Luận
Pháp luật TPHCM

Doanh nghiệp bức xúc cao độ với muôn cách "hành" của các đoàn thanh tra - 2