“Đại gia đất vàng” Hapro sắp IPO, Nhà nước rút lui

(Dân trí) - Vào cuối tháng 3 sẽ diễn ra phiên IPO với Hapro, doanh nghiệp đang “nắm trong tay” rất nhiều quỹ đất vàng. Mức giá khởi điểm cho gần 76 triệu cổ phần Hapro sẽ là 12.800 đồng/cổ phiếu và hậu cổ phần hoá, Nhà nước rút lui hoàn toàn khỏi doanh nghiệp này.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đối với Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

Theo đó, phiên IPO này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30/3/2018 và mức giá khởi điểm với 76 triệu cổ phần Hapro ở mức 12.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu bán hết số cổ phần này tại phiên IPO, Hapro dự kiến thu về tối thiểu 972,8 tỷ đồng.

Hapro là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 2004, hiện hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con với trên 40 đơn vị thành viên, có thị trường tại hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo Quyết định số 2479/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá Công ty mẹ - Hapro tại thời điểm ngày 1/7/2016: Giá trị doanh nghiệp theo sổ sách kế toán là 3.557 tỷ đồng; giá trị doanh nghiệp xác định lại là 4.043,2 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị vốn Nhà nước theo sổ sách kế toán là 1.748,9 tỷ đồng và giá trị vốn Nhà nước xác định lại là 2.155,7 tỷ đồng.

Công ty cổ phần được chuyển đổi từ Công ty mẹ - Hapro có trách nhiệm kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ tại các công ty cổ phần, công ty TNHH (41 khoản đầu tư tài chính đã được xác định trong giá trị doanh nghiệp) kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp.

Phương án cổ phần hoá công ty mẹ Hapro đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt hồi đầu tháng 12/2017.

Với lợi thế sẵn có, Hapro kinh doanh không thật sự ấn tượng.
Với lợi thế sẵn có, Hapro kinh doanh không thật sự ấn tượng.

Sau khi cổ phần hoá, Nhà nước sẽ không còn nắm giữ cổ phần nào tại Hapro. Với vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng với 220 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1.074.000 cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75.926.000 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ; 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ.

Ngành nghề kinh doanh chính của Hapro là bán buôn thực phẩm; bán buôn đồ uống; bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.

Năm 2017, doanh thu của Hapro ước đạt 452 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 77 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch năm và tăng 8% so với thực hiện năm 2016.

Kinh doanh không thực sự ấn tượng tuy nhiên, Hapro có lợi thế rất mạnh về mặt bằng thương mại, có vị trí đắc địa ở trung tâm các tỉnh, thành phố lớn.

Tại Hà Nội, doanh nghiệp này sở hữu dự án trung tâm thương mại, văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng trên diện tích đất 1.624 m2. Ngoài ra, Hapro còn có dự án “Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh”. Dự án này có quy mô 15 tầng và 2 tầng hầm gồm có 5 tầng làm TTTM, 10 tầng làm văn phòng cho thuê.

Các công ty con của Hapro như CTCP Thương mại và Dịch Vụ Tràng Thi, CTCP Thực phẩm Hà Nội, CTCP Thủy Tạ… đang sở hữu, quản lý, sử dụng hàng loạt khu đất có vị trí đắc địa khác.

Bích Diệp

“Đại gia đất vàng” Hapro sắp IPO, Nhà nước rút lui - 2