Lọc dầu Dung Quất “chốt” IPO vào đầu năm sau
(Dân trí) - Với mức giá 14.600 đồng, Lọc - Hóa dầu Bình Sơn dự kiến thu về 3.527 tỷ đồng từ IPO và có vốn hóa đạt gần 2 tỷ USD.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa có thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn.
Theo đó, Lọc - Hóa dầu Bình Sơn có vốn điều lệ dự kiến gần 31.005 tỷ đồng. Lượng cổ phần chào bán 241.556.969 cổ phần, tương đương 7,8% vốn cổ phần. Giá chào bán khởi điểm là 14.600 đồng/cổ phần. Thời gian thực hiện đấu giá dự kiến ngày 17/1/2018.
Với mức giá 14.600 đồng, Lọc - Hóa dầu Bình Sơn dự kiến thu về 3.527 tỷ đồng từ IPO và có vốn hóa đạt gần 2 tỷ USD.
Lọc - Hóa dầu Bình Sơn có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối dầu mỏ, các sản phẩm từ dầu mỏ; nguyên vật liệu phục vụ công nghiệp lọc - hóa dầu.
Trước đó, theo phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn có vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ nêu trên chưa bao gồm nhu cầu vốn đầu tư cho Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Số tiền Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện góp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn hoàn trả lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hạch toán, quản lý theo quy định.
Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ theo quy định.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng các tiêu chí như: Có năng lực tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất đã kiểm toán tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế; có vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm chào bán tối thiểu là từ 10.000 tỷ đồng trở lên; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm vận hành nhà máy lọc dầu và/hoặc có tiềm lực về thị trường/có hệ thống phân phối xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phẩn hóa;...
Kế hoạch cổ phần hóa Lọc hóa dầu Dung Quất đã có phần “trễ hẹn” so với kế hoạch đặt ra trước đó. Hồi giữa năm nay, lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) từng chia sẻ kế hoạch sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ, nhân viên và IPO, hoàn thành ngay trong năm 2017. Tiếp đến công ty sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng, kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần.
Lãnh đạo đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng cho biết thêm rằng, thời điểm này, BSR mới cổ phần hoá thì đã muộn và điều kiện khó khăn hơn rất nhiều so với thời điểm "hoàng kim" của ngành dầu khí nhưng "không thể không làm".
Thậm chí hồi cuối năm ngoái, Bloomberg đưa tin, Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý III/2017.
Tại thời điểm đó, lãnh đạo BSR tiết lộ, hiện đang đàm phán với các công ty quốc tế, trong đó có một đối tác từ Trung Đông và một vài đối tác từ Đông Nam Á để bán 35% cổ phần trong đợt IPO. Tuy nhiên, danh tính các công ty này không được tiết lộ.
Lâm An