“Phí" hay “giá" cũng là tiền dân, không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng

(Dân trí) - Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đường BOT không phải sở hữu của nhà đầu tư mà thực chất doanh nghiệp chỉ đóng góp "cổ phần" giá trị con đường nên thu phí là hợp lý, chứ không thể thu giá.

Đại biểu Bùi Văn Phương cho biết sẽ chất vấn Bộ trưởng Giao thông về câu chuyện thu phí, thu giá.
Đại biểu Bùi Văn Phương cho biết sẽ chất vấn Bộ trưởng Giao thông về câu chuyện thu phí, thu giá.

Nhà nước phải làm rõ "giá" hay "phí"

Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội chiều ngày 23/5, ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại cho rằng, việc dư luận phản ứng chuyện Bộ Giao thông Vận tải đổi tên trạm thu phí BOT thành thu giá xuất phát từ nguyên nhân thiếu minh bạch, công khai trong đầu tư BOT. Thu phí hay thu giá thì cơ quan quản lý Nhà nước phải làm rõ, minh bạch, công bằng lợi ích các bên.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đường BOT không phải sở hữu của nhà đầu tư nên thu phí là hợp lý, chứ không thể thu giá.

"Ở đây thực chất doanh nghiệp đóng góp "cổ phần" giá trị con đường chứ không phải chủ sở hữu nên không thể thu giá được. Họ không thể bán cái mình không có, mà chỉ có thể thu tỷ lệ nào đó theo thời gian xác định", ông Quốc nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì lo ngại, doanh nghiệp được tự định giá khi chuyển từ phí sang giá, sẽ nảy sinh vấn đề. Ông nêu thực tế, nhiều tuyến đường BOT hiện chỉ được làm trên những đường độc đạo hoặc chỉ là sửa chữa trên nền đường cũ của Nhà nước đầu tư. Trường hợp này nếu thu giá sẽ là giá độc quyền.

"Việc chuyển sang thu giá BOT là đúng theo quy luật thị trường nhưng phải xác định từng dự án cụ thể chứ không phải tất cả đều chuyển sang giá, bởi quá trình hình thành BOT khác nhau, có cái hoàn toàn do tư nhân làm, có cái là Nhà nước thuê theo hợp đồng xây dựng, chuyển giao", ông đề nghị.

Ông Phương cho biết, ông sẽ chất vấn Bộ trưởng Giao thông tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây về cơ sở nào Bộ chuyển từ phí sang giá.

Cũng chỉ là tên gọi?

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, việc chuyển từ phí sang giá một số dịch vụ đã được quy định trong luật. Những dịch vụ nào không nằm trong danh mục phí sẽ được chuyển sang thu giá.

"Có thể luật chưa bao quát hết các vấn đề xã hội nhưng ít nhất cũng "phủ" được 85-90%. Theo tôi, chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, cam kết của Chính phủ. Ở đây hai bên cùng có lợi chứ không phải một bên nào", ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, điều quan trọng hơn là cần xem con đường BOT đầu tư có đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, đảm bảo lợi ích các bên hay không, còn việc gọi đó là trạm thu BOT hay thu giá BOT... cũng chỉ là tên gọi.

Ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Ninh Bình bình luận, việc chuyển từ phí sang giá BOT là đúng với bản chất kinh tế thị trường. Nhà đầu tư bỏ vốn ra để cung cấp dịch vụ thì người sử dụng phải trả giá dịch vụ mình sử dụng.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Sinh - Uỷ ban Kinh tế thì cho rằng, quan trọng nhất ở đây là làm sao để người dân hiểu, dù có hình thức nào thì cũng là khoản chi phí mà người sử dụng dịch vụ phải bỏ ra.

"Tên gọi phí hay giá cũng chỉ là tên gọi, quy định của pháp luật còn quan trọng là nội hàm của vấn đề. Vấn đề quan trọng nhất là người dân thấy chi phí đó có xứng đáng, phù hợp thỏa đáng với dịch vụ sử dụng hay không, thu như vậy có minh bạch không", ông Sinh nói.

Theo ông Sinh, riêng chi phí trong lĩnh vực BOT rõ ràng không phải doanh nghiệp muốn làm gì thì làm mà ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề xã hội, đặc biệt, kể cả vấn đề kinh tế. Tất cả các cuộc điều chỉnh gia đến nay, đều phải do doanh nghiệp xây dựng phương án và các cơ quan Nhà nước đồng ý, phê duyệt mới được xác định giá bao nhiêu.

"Đây là loại chi phí đặc biệt, phải có sự kiểm soát của Nhà nước vì liên quan đến đầu tư, vòng đời dự án và không có chuyện giá doanh nghiệp muốn tăng bao nhiêu thì tăng", ông nói.

Phương Dung

“Phí" hay “giá" cũng là tiền dân, không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm