Thân hữu, bôi trơn, làm méo mó thị trường

Những chỗ nào chưa thị trường, thì xây dựng cho nó thị trường, chỗ nào thị trường còn méo mó, sai lệch, phải làm cho nó cạnh tranh hơn. Chỉ có cạnh tranh mới có thị trường, mà cốt lõi là cạnh tranh công bằng.


Ông Vũ Tiến Lộc: “Chìa khóa cho sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới là khu vực kinh tế tư nhân”.

Ông Vũ Tiến Lộc: “Chìa khóa cho sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới là khu vực kinh tế tư nhân”.

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (Ciem) tại hội thảo Khát vọng Việt Nam 2035, vai trò của doanh nghiệp (DN) và yêu cầu hiện đại hóa thể chế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì ngày 30/5.

Bớt tiêu xài, lấy năng suất làm động lực

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, thể chế nào DN đó, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. DN là kết quả, nhưng cũng là động lực để cải cách thể chế. Ông cho rằng, chìa khóa cho sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới chính là khu vực kinh tế tư nhân, thông điệp chính là hành động.

Theo ông Lộc, năng suất của DN tư nhân có xu hướng giảm từ năm 2003 đến nay. Khoảng năm 2000, năng suất lao động khối tư nhân Việt Nam còn cao hơn so với Trung Quốc, nhưng nay gần như bị “vắt kiệt” và đến năm 2014 chỉ còn một nửa so với trước đó. “DN Việt Nam quy mô quá nhỏ, không lớn lên được, năng suất lao động thấp”- ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cho rằng: “Năng suất là chìa khóa trong các chương trình hành động. Có lẽ, cần tái khởi động một chương trình về năng suất, và xem đó là mệnh lệnh. Chính phủ cũng phải có tinh thần như DN khởi nghiệp, hướng tới nâng cao năng suất”.

Từ góc độ DN, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, Chính phủ rất quyết tâm trong hội nhập, nhưng thành công hay không chính là ở DN. Theo ông, các DN phải tư duy rằng, mình đang ra biển lớn, và quá trình không thể dừng lại được. Do vậy, chủ DN phải nâng cao trình độ để vận hành kinh doanh hiệu quả.

Các DN phải xây dựng chiến lược ngắn, trung và dài hạn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tránh việc “nước đến chân mới nhảy”, thiếu tính sáng tạo, làm hàng copy, hàng nhái, kém chất lượng hay làm ăn dựa vào quan hệ. Cùng đó, DN cũng nên nghĩ đến sự minh bạch, liêm chính để hội nhập.

Ngoài ra, theo ông Đoàn, cộng đồng DN Việt Nam cũng cần tiết kiệm. “Tổng số các xa xỉ phẩm từ ô tô, xe máy, máy bay, du thuyền, mỹ phẩm, ăn uống… với một con số ở nước nghèo như Việt Nam mà trên 10 tỷ USD là không cần thiết, làm giảm sức mạnh chi phí đầu tư của DN” - ông Đoàn nói.

Cần kiến tạo môi trường

Theo TS Nguyễn Đình Cung, thể chế hiện đại, nếu rọi vào thực tại ở Việt Nam chính là “thị trường hơn, cạnh tranh hơn, minh bạch hơn và dân chủ hơn”. “Những chỗ nào chưa thị trường, thì mình xây dựng cho nó thị trường, chỗ nào thị trường còn méo mó, sai lệch, phải làm cho nó cạnh tranh hơn. Chỉ có cạnh tranh mới có thị trường, mà cốt lõi là cạnh tranh công bằng”- ông Cung nói.

Theo Viện trưởng Ciem, muốn thế, nhà nước phải thay đổi vai trò, chức năng là sản xuất ít đi, nên phải cổ phần hóa DN nhà nước mạnh lên, để tư nhân tham gia nhiều hơn.

Ông Cung cho biết, trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tài sản công của Việt Nam gấp 4 lần GDP, tức khoảng 800 tỷ USD. “Chỉ 1% trong số đó thôi, chúng ta đã có 8 tỷ USD rồi. Tôi rất tin tưởng, nếu tận dụng được nguồn lực này, Việt Nam sẽ tăng trưởng 11-13%, chứ không phải 5-6% như hiện nay” - ông Cung nói.

“Với công chức, hai cái yếu nhất là tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Khắc phục được cái đó, chúng ta sẽ tạo được bộ máy phục vụ nhân dân. Tránh tình trạng, quyền lực công không được kiểm soát, để rồi nhân danh quyền lực công để mưu cầu lợi ích riêng” - Ông Hoàng Thế Liên

Ông Cung cũng đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách quản lý, sử dụng tài sản quốc gia. “Tài sản quốc gia rất lớn, nhưng nó là cái gì, giá trị bao nhiêu, đang sản sinh, giá trị gia tăng đó ai đang hưởng lợi, hay bị hao mòn thế nào, không ai biết. Đây là chỗ làm méo mó thị trường nhiều nhất, làm kém minh bạch xã hội của ta nhất”- ông Cũng nhận định.

Viện trưởng Ciem cũng cho rằng, tính minh bạch, giải trình ở Việt Nam đang rất thấp. Ông lấy thí dụ liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. Vấn đề hàm lượng và kiểm tra formaldehyd (trong vải) dù có áp lực rất mạnh từ Chính phủ, góp ý rất nhiều lần của DN, hiệp hội, nhưng bộ có liên quan, công chức liên quan bảo làm thế đúng rồi!

“Không có một trừng phạt nào cả. Công chức như vậy vẫn yên vị, làm theo ý mình. Những thứ nhỏ thế thôi mà không thay đổi được, thì không lấy được niềm tin của DN”- ông Cung nói.

Còn bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, chúng ta khó trông chờ sự tự giác của các cơ quan nhà nước, bên cạnh với sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, nó còn gắn với lợi ích của họ trong đó nữa.

“Tôi còn nhớ, nguyên Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh khi giao thực hiện một cải cách nhỏ trong Bộ, người ta đã kêu tại sao ông lại lấy đá ghè chân mình thế. Xã hội này, nếu hiếm người lấy đá ghè chân mình, thì làm sao cải cách được”- bà Lan nói.

Độc quyền - trách nhiệm giải trình = tham nhũng

Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp WB tại Việt Nam, con số khảo sát mới đây của Thanh tra Chính phủ cho thấy, tới 75% số DN cho rằng họ “tặng quà” cho cơ quan công quyền là “chủ động” chứ không ép buộc.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, con số “tặng quà” bôi trơn có thể còn cao hơn 75%. “Sự chủ động này là từ thế bị động, DN đặt vào tình huống không bôi trơn không được. Ở Việt Nam có câu, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, không bôi không thể trơn được” - bà Lan nói.

Trong khi đó bà Trần Thị Lan Hương lo ngại các nhóm lợi ích đang tăng lên. DN thân hữu với nhà nước có nhiều lợi thế, giúp họ có lợi thế tiếp cận vốn, đất đai, hợp đồng chính phủ. “Điều đó lý giải, vì sao DN tư nhân không lớn lên được. DN thân hữu đang cản trở DN làm ăn liêm chính, tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh hơn” - bà Hương nói.

Bà Hương cũng cho biết, qua khảo sát gần đây, có việc tuyển dụng, bổ nhiệm không dựa vào năng lực, mà dựa quan hệ, hối lộ với quan chức cao cấp, “con ông cháu cha” vẫn nổi cộm.

Về câu chuyện “thân hữu”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng: “Ở Việt Nam không chỉ phân biệt giữa DN trong nước với DN FDI, mà còn có DN thân hữu và không thân hữu. DN thân hữu là DN nhà nước, một số DN FDI lớn và số ít DN tư nhân. Phần đông đảo còn lại là DN không thân hữu, là những DN vừa và nhỏ, ngày càng yếu thế mọi mặt”.

Cắt nghĩa vì sao Việt Nam lại nhiều “thân hữu” đến thế? TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Vì nhà nước, công chức có nhiều thứ để cho, mà cho không minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình. Tại sao thế? Vì chúng ta thiếu thị trường. Nhà nước còn kham nhiều, thị trường quá ít”.

Theo ông Cung, muốn thay đổi vấn đề này đòi hỏi khu vực xã hội dân sự bên ngoài cũng thay đổi, nhưng trong trường hợp này, khu vực nhà nước phải đi trước. “Làm cái gì đầu tiên? Đó là trách nhiệm hành chính. Ở đây, người đứng đầu, như ông bộ trưởng phải có áp lực hành chính đủ mạnh với công chức ở dưới”.

Từ góc độ pháp lý, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, Nhà nước pháp quyền là không được tùy tiện, không làm khác được cái anh quy định. Tuy nhiên, quy định như vậy, nhưng không gian tùy tiện còn nhiều, đó là nền tảng của tiêu cực.

Trong khi đó, việc thực thi pháp luật, kỷ luật rất kém. Công chức, không thể tùy tiện, lạm quyền và không để độc quyền. “Độc quyền – (trừ) trách nhiệm giải trình = (bằng) tham nhũng. Độc quyền còn lớn, trong khi trách nhiệm giải trình không đến mức truy cứu trách nhiệm pháp lý với người thực hiện, thì chắc chắn tham nhũng còn lớn”- ông Liên nói.

Theo Phạm Anh
Tiền Phong

Thân hữu, bôi trơn, làm méo mó thị trường - 2