1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Cứ ăn hết thì lấy đâu ra!?”

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nếu cứ áp dụng chi thường xuyên 72% chi NSNN như hiện nay cho nhiệm vụ năm 2015 và năm 2016 thì lấy gì để chi cho đầu tư phát triển, lấy gì để bội chi thấp đây? Cứ “xơi” hết, ăn hết thì lấy đâu ra!?”

Sau khi lắng nghe báo cáo của Thường trực Chính phủ về dự toán thu chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 và năm 2015 sáng ngày 9/10. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nếu cứ áp dụng chi thường xuyên 72% chi NSNN như hiện nay cho nhiệm vụ năm 2015 và năm 2016 thì lấy gì để chi cho đầu tư phát triển, lấy gì để bội chi thấp đây? Cứ “xơi” hết, ăn hết thì lấy đâu ra!?”

Hôm nay, thay mặt thường trực Chính phủ Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày báo cáo dự toán thu chi NSNN, theo đó đề xuất chi đầu tư phát triển năm tới là 27,7% GDP, mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,2%, cao hơn mục tiêu của năm 2014 và dự toán vượt thu NSNN cnăm 2014 là 52.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Tại phiên thảo luận, các Ủy viên Thường vụ Quốc hội đã bàn về cân đối thu chi, tỷ lệ đầu tư cho phát triển/GDP trong năm nay và năm 2015.
 
Về thu ngân sách, từ nay đến cuối năm còn 3 tháng nữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh phải tính lại thu ngân sách: Các đồng chí tính từ nay đến cuối năm vượt thu ngân sách là 52.000 tỷ đồng, tôi tính sơ sơ phải 80.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng. Nếu chúng ta không tăng thu lấy gì để chi. “Các đồng chí cứ tính xem có đúng không, nếu từ nay đến cuối năm mà không đúng như thế, các đồng chí cứ đến tôi mà phê bình”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Việc chi ngân sách, chủ tịch nhắc nhở cần tiết kiệm và cho rằng hiện cơ cấu chi ngân sách đang rất xấu, mất cân đối. “Hiện nay chi ngân sách là 72% chi thường xuyên, còn lại 30% chi cho đầu tư phát triển và cả trả nợ, đây là cơ cấu chi ngân sách rất xấu. Từ đó mà phải vay, tăng bội chi, phát hành trái phiếu, đảo nợ thì rõ ràng là tăng nợ công”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Lo ngại về kế hoạch chi ngân sách này sẽ được áp dụng cho năm 2015 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn phản bác: “Nếu cứ áp dụng chi thường xuyên 72% chi NSNN như hiện nay cho năm 2015, năm 2016 thì lấy gì để chi cho đầu tư phát triển, lấy gì để bội chi thấp đây. Cứ “xơi” hết, ăn hết thì lấy đâu ra? Phải cân bằng thu chi, thu lấy mà chi, không phát hành để chi, bây giờ phát hành lu bù để chi, vay lu bù để chi nên các đồng chí phải cân bằng thu chi, cân bằng phải chủ động”. 

"Ăn hết, không có lương thì tôi và các đồng chí đi làm còn có thể kêu gọi tinh thần được, nhưng đối với các cụ về hưu, những người có công cách mạng không giải quyết được thì khó lắm. Các đồng chí dùng từ không tăng lương nghe chừng cứng quá, không được đâu. Giả sử chi thường xuyên cho Văn phòng Quốc hội là 100 đi, thì ông phải dành một khoản để giải quyết lương, ông không giải quyết lương cao cho Chủ tịch Quốc hội thì ông phải giải quyết lương thấp cho cái người thu nhập có hai, ba triệu đồng/tháng", ông Hùng nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Tiền ngân sách có bao nhiêu, chúng ta chia hết là không được, bây giờ thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết, thứ hai nữa là đầu tư các đồng chí hãm đi, thứ ba là cứ vay tiền ào ào làm không phát triển được đất nước và thứ hai là trả nợ không được".

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, các đồng chí nói giảm thuế khiến thất thu, tôi cho là không phải. Kinh tế khó khăn như thế, chưa vực lên được, thứ hai là nền kinh tế đang thất thu nhiều ở thuế ở buôn lậu… Các đồng chí phải tính lại cơ cấu, tính thế nào thì tính nhưng phải trở lại với cơ cấu chi ngân sách cân đối là 50% cho chi thường xuyên, 30% chi đầu tư và 20% trả nợ.
 
“Trước đây chúng ta trả nợ toàn là do vay lãi hoặc bằng trái phiếu, trước chúng ta vay 15 – 20 năm bằng trái phiếu Chính phủ, bây giờ các đồng chí phát hành trái phiếu ngắn hạn từ 2 đến 3 năm phải trả, thậm chí 1 năm phải trả thì cái cục nợ đó đè lên đầu lên cổ sao mà sống nổi”, Chủ tịch băn khoăn.

Về đầu tư cho phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tổng đầu tư phát triển năm sau là gần 28% GDP là không ổn, không đủ để tăng trưởng GDP 6,2%. Chủ tịch chỉ rõ: “Hiện kế hoạch phát triển 5 năm từ 2011 – 2015, nếu so với các mục tiêu phát triển GDP các năm trước thì chúng ta không đạt được. Chính vì vậy, năm 2015, để duy trì tăng trưởng GDP 6,2%, đầu tư tối thiểu phải là 30% GDP, tính thế nào thì tính, tối thiểu phải 30% GDP. Tôi thấy, Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện các dự án BT, BOT lấy từ bên ngoài rất nhiều để chi cho phát triển, không lệ thuộc vào ngân sách”. 

Về vấn đề của ngành ngân hàng, Chủ tịch cũng nêu rõ: “Năm 2015 là năm tập trung giải quyết nợ, vừa là nợ từ các DN Nhà nước vừa là nợ của các ngân hàng. Đảm bảo ngân hàng hoạt động lành mạnh, có làm ăn, có chia cổ tức, có dự phòng và luôn luôn dự phòng, chứ không phải trích cái là hết, lấy đâu mà trích".

Nguyễn Tuyền
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm