"Cánh chim đầu đàn" 10.000 tỷ: Năm 2017 đóng cửa, dừng sản xuất?

Khi đầu tư mở rộng nhà máy, đạm Hà Bắc đã nghĩ đến một viễn cảnh tươi sáng, rạng rỡ hơn cho chặng đường gần 60 năm phát triển. Thế nhưng, sự lạc quan ấy chẳng thể kéo dài được lâu khi nhà máy 10.000 tỷ ấy phải hứng chịu những cú sốc khó lường.

Những cú sốc không kịp trở tay

Nhà máy đạm Hà Bắc mở rộng vận hành vào đầu 2015. Thế nhưng đó lại là thời điểm có nhiều yếu tố bất lợi khiến nhà máy phải gánh lỗ ngàn tỷ trong 2 năm đầu.

Cú sốc đầu tiên phải kể đến là giá than. Đạm Hà Bắc dùng nguyên liệu chính cho sản xuất là than, nhưng giá than tăng tới gần 100% so với thời điểm tính toán hiệu quả dự án vào năm 2009 đã khiến công ty điêu đứng. Theo tìm hiểu, năm 2015 chi phí do giá than tăng làm tăng chi phí của đạm Hà Bắc khoảng 620 tỷ đồng so với giá mua năm 2009.


Nhà máy đạm Hà Bắc đang gặp khó khăn. Ảnh: L.Bằng

Nhà máy đạm Hà Bắc đang gặp khó khăn. Ảnh: L.Bằng

Trong khi ấy, các đối thủ cạnh tranh của đạm Hà Bắc như đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau lại sản xuất phân Ure từ khí. Từ năm 2015 giá dầu thế giới tiếp tục giảm giá mạnh nên giá khí cho sản xuất Ure giảm đến 50%.

Do được hưởng lợi từ việc giảm giá khí, các công ty sản xuất phân đạm Ure đi từ khí đua nhau giảm giá để cạnh tranh. Giá bán Ure hiện ở mức thấp hơn giá thành, bình quân năm 2016 chỉ đạt 6.138 đồng/kg, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2015.

Không kịp "hoàn hồn" với giá nguyên liệu, đạm Hà Bắc lại thêm lo ngại khác khi Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2014 quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc các nguyên vật liệu và chi phí đầu vào để sản xuất sản phẩm Ure của công ty sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Năm 2014, tổng giá trị thuế GTGT đầu vào là 126 tỷ đồng và được khấu trừ toàn bộ. Năm 2015 con số này là 149 tỷ đồng nhưng không được khấu trừ 101 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này phải tính vào giá vốn bán sản phẩm Ure, làm giá thành sản phẩm của đạm Hà Bắc lại bị đội lên.


Giá bán sản phẩm của đạm Hà Bắc bị cạnh tranh dữ dội.

Giá bán sản phẩm của đạm Hà Bắc bị cạnh tranh dữ dội.

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá là 2% và nới biên độ tỷ giá thêm 3% trong quý III/2015 cũng làm chi phí tăng thêm 187 tỷ đồng.

Tính riêng 3 khoản phát sinh tăng thuế Giá trị gia tăng không được khấu trừ (101 tỷ), chênh lệch tỷ giá (187 tỷ) và chi phí cho than tăng (620 tỷ), tổng cộng chi phí tăng thêm của đạm Hà Bắc lên tới 908 tỷ đồng.

“Nếu không phát sinh tăng 3 khoản chi phí này, năm 2015 công ty lãi 239 tỷ đồng chứ không phải lỗ tới 669 tỷ đồng”, lãnh đạo đạm Hà Bắc cho hay.

Chưa kể, dự án mới đi vào khai thác cũng làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Trong đó, chi phí khấu hao và lãi vay tăng cao. Khấu hao năm 2015 là 404 tỷ đồng, trả lãi vay vốn đầu tư 409 tỷ đồng,...


Đạm Hà Bắc đã phải cầu cứu sự hỗ trợ của Chính phủ.

Đạm Hà Bắc đã phải cầu cứu sự hỗ trợ của Chính phủ.

Trước tình hình đó, đạm Hà Bắc đã gửi kiến nghị khắp nơi đề nghị chủ nợ là Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho khoanh nợ gốc và lãi vay của ngân hàng trong 5 năm kể từ ngày 1/7/2016. Đồng thời gia hạn thời hạn hợp đồng vay đến hết năm 2028, giảm lãi vay từ 10,8%/năm xuống còn 8,55%. Nếu được sẽ giảm chi phí lãi vay năm 2016 là 328 tỷ đồng.

Công ty này còn đề nghị Bộ Tài chính cho phép giãn thời gian trích khấu hao trong 3 năm 2016, 2017, 2018; rồi muốn Tập đoàn than giảm giá bán than xuống bằng với giá than thế giới; đề nghị Quốc hội sửa Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng đưa mặt hàng phân bốn vào đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế giá trị gia tăng với thuế suất từ 0-5%.

Đạm Hà Bắc sẽ ra sao nếu đóng cửa?

“Với tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, nếu không được Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các ngân hàng tài trợ vốn vay cho dự án tháo gỡ, khả năng đầu năm 2017 công ty buộc phải ngừng sản xuất, sẽ tác động không nhỏ đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang”, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “giải cứu” đạm Hà Bắc.


Đạm Hà Bắc được thành lập từ năm 1960 với sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Đạm Hà Bắc được thành lập từ năm 1960 với sự giúp đỡ của Trung Quốc.


Kho hàng của nhà máy đạm Hà Bắc.

Kho hàng của nhà máy đạm Hà Bắc.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, nếu nhà máy ngừng hoạt động thì 1.500 lao động sẽ mất việc làm, nguồn thu trả nợ ngân hàng cũng không có. Các chi phí khấu hao, lãi vay vốn đầu tư, chi phí bảo dưỡng thiết bị, tiền lương nhân viên bảo vệ vẫn phải chi khoảng 1.629 tỷ đồng, cao hơn số lỗ dự kiến là 505 tỷ đồng. Chưa kể, máy móc, thiết bị hóa chất không được vận hành thường xuyên sẽ hư hỏng, khi vận hành lại sẽ rất tốn kém.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho biết đầu 2017 nhà máy vẫn sẽ hoạt động, không có chuyện phải ngừng hoạt động.

Ông Phạm Văn Trung, Phó Tổng giám đốc Đạm Hà Bắc khẳng định khó khăn của nhà máy chỉ là tạm thời do diễn biến xấu của thị trường phân bón và thế giới. Nếu được Nhà nước hỗ trợ thì dự án sẽ sớm vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, nếu dự án không được hỗ trợ bằng các giải pháp như công ty đã đề xuất, thì khó khăn sẽ ngày càng chồng chất. “Nếu được giải quyết nhanh thì hậu quả sẽ sớm được khắc phục”, lãnh đạo đạm Hà Bắc chia sẻ.

Theo Lương Bằng
VietnamNet