1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất rượu, thuốc lá, ô tô cũ và xăng dầu

(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị "cấm" kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất nhiều loại hàng hóa nhạy cảm cao, hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt lớn bởi tình hình buôn lậu các mặt hàng đang gia tăng nhanh và rất khó kiểm soát.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2017, không cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất, gửi kho quan ngại gồm như: rượu mạnh Chivas, Ballantines, Cognac, thuốc lá điếu và ô tô qua sử dụng quá 5 năm kể từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu, xăng dầu các loại làm thủ tục tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, điểm thông quan.

Cấm kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất nhiều mặt hàng rượu, thuốc lá, xăng dầu và ô tô cũ (ảnh minh họa)
Cấm kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất nhiều mặt hàng rượu, thuốc lá, xăng dầu và ô tô cũ (ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2011 - nay, hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hàng hàng tạm nhập, tái xuất trên cả nước đã được tăng cường. Tuy nhiên, hoạt động này tại Việt Nam chưa đúng với bản chất, nhiều kẽ hở cho buôn lậu, gian lận thương mại tận dụng. Về cơ chế thuế quan, hải quan và trình tự pháp luật với loại hình này hiện quá thông thoáng cho nên đối tượng lợi dụng hình thức trên để buôn lậu quá rộng, khó xử lý và ngăn chặn.

Trong kiến nghị trên, Bộ Tài chính quyết liệt hơn khi đề nghị địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, thẩm lậu vào nội địa hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa gửi kho quan ngoại thì dừng hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi kho quan ngoại tại địa phương đó đối với mọi hàng hóa.

Ngoài ra, Bộ này cũng kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại đối với hàng tạm nhập, tái xuất theo hướng tăng nặng mức xử phạt hành vi vi phạm các quy định về quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Trong đó nhấn mạnh vào các tội danh như: Tự ý tiêu thụ tại nội địa hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất; chậm thanh khoản tờ khai tạm nhập tái xuất; tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu không đúng quy định; khai báo không đúng tên hàng, số lượng hàng...

Theo quy định của hải quan, hàng tạm nhập tái xuất về Việt Nam tối đa 180 ngày kể từ khi nhập về đến khi xuất ngược trở lại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở của pháp luật, hàng tạm nhập tái xuất là hàng phế liệu nhập khẩu, doanh nghiệp khai báo sai tên địa chỉ công ty hoặc công ty nhập khẩu trốn tránh trách nhiệm khiến hàng tồn tại cửa khẩu, cảng nhiều năm liên tiếp gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, vấn đề hàng tạm nhập tái xuất đáng lo ngại ở chỗ, doanh nghiệp trà trộn hàng, khai báo sai tên, số lượng hàng để nhập khẩu nhiều loại sản phẩm có mức thuế xuất cao, đội lốt nhiều mặt hàng miễn thuế, có thuế quan thấp nhằm trốn thuế, tiêu thụ trong nước như rượu mạnh, thuốc lá, xì gà hay thuốc tân dược, xe ô tô cũ...

Mặt khác, có hiện tượng hàng tạm nhập - tái xuất nhưng chỉ nhập mà không tái xuất khẩu khiến hình thức thương mại này đang bị lợi dụng để nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, với lý do có tranh chấp với doanh nghiệp trong nước, thực hiện nhiều thủ đoạn trả hàng, không ký đơn hàng với nhà vận chuyển, để hàng lưu tại kho, cảng quan ngoại nhiều năm, phát sinh chi phí lưu kho, xử lý.

Trước đó, trong Chỉ thị về đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với hàng tạm nhập tái xuất, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 8 bộ và các địa phương trong đó có Bộ Tài chính, Công Thương, Công An, Quốc phòng... phải ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại núp bóng hàng tạm nhập tái xuất có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ có thực trạng tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại đang lợi dụng hình thức kinh doanh hàng tạm nhập - tái xuất. Tình trạng ngày càng có nhiều mặt hàng có độ nhạy cảm, giá trị lớn, thuộc đối tượng chịu thuế đặc biệt cao... núp bóng hàng tạm nhập tái xuất để tiêu thụ tại nội địa, hình thức này đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận.

Phó Thủ tướng xác định rõ các địa bàn mà các đối tượng chức năng cần tập trung trước và trong dịp tết Đinh Dậu 2017 là các tỉnh biên giới phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Ninh...; các tỉnh biên giới phía Nam như: Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp... Các mặt hàng trọng điểm là rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, ô tô và các hàng hóa chất cấm như ma túy, động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã...

Nguyễn Tuyền