Bộ Tài chính nói gì về sở hữu cổ phần lớn của Thứ trưởng Kim Thoa
(Dân trí) - Theo đại diện Bộ Tài chính, trước đây đúng là có việc ưu tiên bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo thỏa thuận từ trước. Tuy nhiên, từ năm 2015, việc lãnh đạo DNNN và người nhà trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp như trường hợp gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã không còn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh vấn đề nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tranh thủ quá trình cổ phần hóa để thâu tóm cổ phần của doanh nghiệp và khối tài sản khủng của Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang tại phiên họp báo chuyên đề diễn ra chiều nay (16/3), ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2015, tình trạng các trường hợp lãnh đạo DNNN và người thân trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, như trường hợp của Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã không còn.
Theo ông Tiến, trong Luật phòng, chống tham nhũng đã có quy chế, quy định về việc công khai, minh bạch tài sản. Cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nếu xảy ra trường hợp thu nhập, tài sản bất ngờ gia tăng đều phải công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để kiểm tra xem nguồn thu nhập, tài sản đó có nguồn gốc chính đáng hay không?
Liên quan tới việc một số người thân của thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu một số lượng lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ông Đặng Quyết Tiến lý giải: “Việc lãnh đạo của doanh nghiệp không trực tiếp mua cổ phần nhưng con cháu của họ lại tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp, điều này luật không cấm. Con cháu họ hoàn toàn có thể bỏ tiền túi để mua. Nhưng nếu là cán bộ Nhà nước, cần phải công khai thông tin, tiền lương, thu nhập. Ví dụ, thu nhập chỉ có 100 triệu đồng mà sau một năm sở hữu khối tài sản tới hàng chục tỉ thì không được”.
Theo đại diện Bộ Tài chính, trước đây đúng là có việc ưu tiên bán cổ phần DNNN theo thỏa thuận từ trước. Nhưng kể từ năm 2015, để đảm bảo tính minh bạch khi thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp (DN), đã có quy định không được bán thỏa thuận trước mà phải đấu giá công khai trước, sau đó chào cạnh tranh (đấu giá theo điều kiện).
Đã đấu giá công khai thì người mua cũng công khai, cạnh tranh, sòng phẳng với nhau. Điều này tránh việc thỏa thuận giữa hai bên. Việc thỏa thuận chỉ là phương án cuối cùng được áp dụng khi những phương án khác không thành công.
Việc hạn chế thỏa thuận cũng là để tránh trường hợp lãnh đạo DNNN muốn bán cho ông A mà không muốn bán cho ông B nên xây dựng phương án có lợi cho ông A. "Còn thỏa thuận là sẽ còn lên xuống nọ kia, nên giờ quy định rõ không ưu tiên bán thỏa thuận, để hạn chế những tiêu cực đó", ông Tiến giải thích.
Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần (CTCP).
Theo ông Tiến, Nghị định mới được xây dựng theo hướng hướng dẫn quy trình cổ phần hóa để làm sao các DN thực hiện đúng và minh bạch, công khai hơn so với trước, không bị méo mó. So với trước đây, quy trình có thể đơn giản hơn nhưng được quy định cụ thể hơn.
Vấn đề sử dụng đất đai sau cổ phần hóa cũng được quy định rõ, vì thực tế cho thấy, nhiều trường hợp cổ phần hóa DNNN, cổ đông mua vào không phải vì DN mà vì lợi thế đất đai. Hiện nay, việc sử dụng đất đai sau cổ phần hóa phải thực hiện theo Luật Đất đai chứ không phải lợi dụng quỹ đất để chuyển đổi mục đích, làm việc khác.
Tại phiên họp báo, ông Nguyễn Duy Long, Tổ trưởng Biên tập Dự thảo Nghị định chuyển DNNN thành CTCP cũng cho biết, việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong DN đã được triển khai thí điểm từ năm 1992. Trong đó quy định rõ, số cổ phần mua ưu đãi được căn cứ dựa trên số năm công tác, cống hiến. Người lao động cũng như lãnh đạo trong công ty được mua ưu đãi mỗi năm 100 cổ phần. Sau đó, muốn mua thêm phải thông qua đấu giá cạnh tranh, công khai.
Theo báo cáo quản trị năm 2016 của CTCP Bóng đèn Điện Quang, hiện gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/3, cổ phiếu DQC có mức giá 53.000 đồng. Tính theo thị giá cổ phiếu DQC, giá trị tài sản của gia đình Thứ trưởng Thoa tại Điện Quang hiện khoảng 625 tỷ đồng.
Bích Diệp