1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bắc Kinh đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than

(Dân trí) - Tân Hoa Xã cho biết ngày 18/3, nhà máy nhiệt điện than cuối cùng ở Bắc Kinh đã ngừng hoạt động bằng việc tắt đầu máy phát điện mới nhất.

Thời khắc lịch sử này đã được ghi lại khi một người vận hành máy móc trong một bộ đồng phục màu xanh đã nhấn nút dừng màu đỏ cho đầu máy turbin hơi thứ tư của nhà máy.

Máy ảnh ghi lại khoảnh khắc người vận hành máy nhấn nút dừng tua bin cuối cùng hoạt động tại nhà máy. (Nguồn: Tân Hoa Xã)
Máy ảnh ghi lại khoảnh khắc người vận hành máy nhấn nút dừng tua bin cuối cùng hoạt động tại nhà máy. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Theo đó, Bắc Kinh đã trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc dựa hoàn toàn vào các nguồn năng lượng sạch như khí đốt tự nhiên hay gió để sản xuất điện.

Tuy nhiên, thủ đô Bắc Kinh với hơn 30 triệu dân, không thể sản xuất đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng của riêng mình nên nó đã dùng điện từ các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh lân cận như Hà Bắc và Nội Mông, nơi các quy định về môi trường được thi hành một cách yếu ớt.

Năm 1999, nhà máy được xây dựng bởi Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của nhà nước. (Nguồn: Tân Hoa Xã)
Năm 1999, nhà máy được xây dựng bởi Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của nhà nước. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Được biết, Bắc Kinh từ lâu đã cam kết cải thiện chất lượng không khí bằng cách giảm việc sử dụng than đá, chất liệu khi bị đốt cháy sẽ hình thành nên khói gây ô nhiễm không khí.

Theo South China Morning Post, năm 1999, nhà máy nhiệt điện than này được xây dựng bởi Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của nhà nước ở khu vực ngoại ô phía đông Bắc Kinh. 5 đầu máy phát điện của nó đốt hơn 8 triệu tấn than mỗi năm với tổng công suất năng lượng 845 MW.

Chính quyền thành phố cho biết đầu máy phát điện còn lại cuối cùng của nhà máy nhiệt điện than này đã sản xuất hàng trăm tấn chất ô nhiễm, bao gồm sulfur dioxide, nitơ oxit và bụi.

Hồng Vân

Theo South China Morning Post