1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bình Định:

25 chủ tàu vỏ thép nợ quá hạn gần 13 tỷ đồng do hư hỏng nằm bờ

(Dân trí) - Trong 25 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ cho ngư dân Bình Định thì hầu hết các chủ tàu phải chịu nợ quá hạn. Lý do, các tàu này bị hư hỏng, rỉ sét nằm bờ không thể ra khơi đánh bắt hoặc làm ăn kém hiệu quả.

Chủ tàu vỏ thép lâm nợ do đâu?

Theo Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, hiện có 25 chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 đã quá hạn trả nợ với tổng số tiền hơn 12,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 8,5 tỷ đồng và tiền lãi hơn 4,3 tỷ đồng.

5 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng bị hư hỏng, rỉ sét nghiêm trọng khiến tàu nằm bờ
5 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng bị hư hỏng, rỉ sét nghiêm trọng khiến tàu nằm bờ

Nguyên nhân các chủ tàu không thể trả nợ đúng hạn được xác định do 20 tàu đóng mới tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) bị hư hỏng, phải nằm bờ để sửa chữa. Ngoài ra, có 2 chủ tàu làm ăn có hiệu quả nhưng không chịu trả nợ và 3 chủ tàu có tàu vỏ thép hoạt động kém hiệu quả, không có thuyền viên, phải nằm bờ từ đầu năm đến nay.

Tại cuộc họp mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã làm việc với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và 5 ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đóng tại công ty này để bàn phương án sửa chữa tàu.

Ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho biết: “Ngân hàng liên tục gửi thông báo nợ quá hạn buộc gia đình tôi phải trả 498 triệu. Đến ngày 25/8 tới, tiền nợ gốc phải trả thêm cho ngân hàng 400 triệu đồng nữa nên gia đình chẳng biết phải xoay sở như thế nào với số nợ trên”.

Các chủ tàu vỏ thép đang phải chịu nợ quá hạn gần 13 tỷ đồng do tàu bị hư hỏng không thể ra khai khai thác nên không có tiền trả nợ.
Các chủ tàu vỏ thép đang phải chịu nợ quá hạn gần 13 tỷ đồng do tàu bị hư hỏng không thể ra khai khai thác nên không có tiền trả nợ.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, hiện UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT hướng dẫn kéo dài thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi vay, điều chỉnh thời gian trả nợ trong năm hoặc hướng dẫn cơ cấu nợ, nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ đối với một số tàu vỏ thép đóng mới bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa, đến thời hạn trả nợ gốc và lãi vay.

Ngân hàng bắt đầu e ngại

Cũng theo Sở NN&PTNT Bình Định, đến nay UBND tỉnh phê duyệt danh sách 260 chủ tàu được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Trong đó, 58 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng (57 hợp đồng đã được giải ngân với số tiền hơn 826 tỷ đồng) và 202 chủ tàu chưa ký hợp đồng tín dụng.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết:“Các trường hợp tàu đã được duyệt vay vốn nhưng chưa được giải ngân có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, về phía ngân hàng họ bắt đầu e ngại. Lý do đưa ra là nếu có rủi ro, không thu hồi được nợ thì phía ngân hàng phải gánh chịu trách nhiệm chính. Thực tế với sự cố 20 tàu 67 hư hỏng của ngư dân Bình Định thì việc ngư dân trả nợ cho ngân hàng sẽ rất khó khăn”.

Công ty TNHH MTV Nam Triệu đang thay máy tàu cho tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Ảnh
Công ty TNHH MTV Nam Triệu đang thay máy tàu cho tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Ảnh

Hiện nay, ngoài các chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng, có 2 chủ tàu là Trương Hoài Khánh và Trần Văn Hạo (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) cho rằng bị Vietcombank Bình Định giữ sổ đỏ khi vay vốn đóng tàu vỏ thép là trái với quy định của Nghị định 67. Tại nhiều cuộc làm việc với cơ quan chức năng, 2 chủ tàu đều kiến nghị ngân hàng trả sổ đỏ.

Sau đó, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh Bình Định chỉ đạo Vietcombank trả lại sổ đỏ cho các chủ tàu.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh Bình Định đã có văn bản trả lời việc giữ sổ đỏ là đúng quy định theo luật Tổ chức tín dụng năm 2010, nếu chủ tàu không đồng ý có thể gửi đơn đến tòa án để xử lý theo pháp luật.

Doãn Công