Cùng Dân trí điểm lại 10 sự kiện, vấn đề kinh tế nổi bật năm 2017
(Dân trí) - 2017 là một năm nền kinh tế Việt Nam diễn biến rất sôi động: Kinh tế tăng trưởng cao, đạt mức 6,81%. Nhưng cũng là năm có nhiều diễn biến bất ngờ: Hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lớn bị khởi tố, bắt giam; thoái vốn nhà nước mạnh mẽ ở các DN qui mô lớn, thị trường chứng khoán bùng nổ...
1. Năm 2017 Chính phủ đã hoàn thành toàn bộ 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội do Quốc hội đề ra sau nhiều năm không đạt một số chỉ tiêu quan trọng.
Trong đó, có nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra (6,7%); Xuất khẩu tăng mạnh (đạt mức tăng 21%), xuất khẩu thủy sản và rau củ quả đạt mức ấn tượng trên 41%. xuất khẩu nông sản đạt mức ấn tượng trên 33 tỷ USD.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng đã bắt đầu phục hồi tăng trưởng dù khiêm tốn với mức tăng 3%. Thu hút đầu tư trực tiếp gián tiếp từ nước ngoài tăng mạnh. Giải ngân đạt mức kỷ lục 16 tỷ USD
2. Môi trường kinh doanh được cải thiện, với nhiều chỉ số về xếp hạng năng lực cạnh tranh được tăng lên rõ rệt. Đáng chú ý nhất, sau nhiều năm bị giảm điểm, Việt Nam đã tăng 14 bậc trên Bảng xếp hạng "Môi trường kinh doanh năm 2017" của Ngân hàng Thế giới (WB).
Đây là những kết quả đo lường được từ một loạt những cải cách mà Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngàn thực hiện để cắt giảm hàng loạt giấy phép, điều kiện kinh doanh không cần thiết, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Thuế, hải quan, tiếp cận điện năng...với mục tiêu xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam 2017 (ảnh VGP)
Năm 2017, Thủ tướng đã tổ chức cuộc gặp gỡ với khối DN tư nhân để lắng nghe khó khăn của DN. Bên cạnh Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy phép con, điều kiện kinh doanh, phấn đấu năm 2018 giảm 1/3 đến 1/2 số các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành.
3. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Đây là loạt hội nghị cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ 11/2016 đến tháng 12/2017. Đỉnh điểm của sự kiện này là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (tiếng Anh: APEC Economic Leaders' Meeting), hay Hội nghị Cấp cao APEC, diễn ra trong hai ngày 10 và 11/11/2017 ở Đà Nẵng với sự tham dự của nguyên thủ nhiều cường quốc: Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình...
Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC đã ra Tuyên bố Đà Nẵng, đây là thành công lớn của Việt Nam trong vai trò chủ nhà APEC 2017
Tại Hội nghị này, hàng loạt vấn đề kinh tế đa phương và song phương được thảo luận có kết quả tốt giúp nâng cao vị thế Việt Nam trong quan hệ đối ngoại.
4. Các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo phòng chống, xử lý nghiêm nạn buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại.
Mặt hàng khăn của Khaisilk bị tố là hàng Trung Quốc gắn mác giả hàng Việt
Đáng chú ý nhất là việc từ phản ánh của người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kiểm tra, phát hiện một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh là Khải Silk đã giả nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác "made in Việt Nam" để bán hàng không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng giả (7/10 mẫu kiểm tra không phải lụa trong khi quảng cáo, bán hàng lụa tơ tằm Việt Nam), trốn thuế...và đã chuyển cơ quan điều tra xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Chứng khoán tăng cao nhất trong các thị trường ở Châu Á. Mức tăng trưởng đạt khoảng 50%, vốn hóa đạt mức kỷ lục 60% GDP. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đạt 1,7 tỷ USD.
Đáng chú ý năm 2017 cũng là năm thoái vốn mạnh mẽ của khối doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt các doanh nghiệp có qui mô lớn như: Công ty Cổ phần Vinamilk, Tổng công ty cổ phần Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Cổ phần Rượu bia và nước giải khát Hà Nội (Habeco)...Đáng chú ý nhất là việc thoái 51% vốn tại Sabeco với giá cổ phiếu chào bán khởi điểm cao kỷ lục: 320.000 đồng/cổ phần, có thể giúp thu về hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, thu hẹp qui mô hoạt động của khối DNNN.
6. Một loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo của một số doanh nghiệp nhà nước có qui mô lớn trong ngành Công Thương bị khởi tố, bắt tạm giam chờ ngày xét xử: Ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ...bị khởi tố, bắt tạm giam do có những vi phạm trong công tác điều hành trong thời gian công tác, ở vị trí cao nhất của ngành dầu khí.
Ông Đinh La Thăng và các nguyên lãnh đạo dầu khí bị khởi tố, bắt tạm giam.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành dầu khí trước đó cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam đã được đưa ra xét xử và tuyên án như ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch ngân hàng Oceanbank vì các hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
7. Quốc hội Chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu
Tại kỳ họp giữa năm (tháng 6/2017), 86% đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, Nghị quyết gồm 19 điều, được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017. Trong đó, nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017.
Kết quả cụ thể việc biểu quyết Nghị quyết về xử lý nợ xấu.
Với việc thống nhất thông qua Nghị quyết này, theo đánh giá của một số chuyên gia, thực tế tồn tại thời gian qua đã được hạn chế, không còn biến ngân hàng thành "kẻ hành khất - đứng cho vay, quỳ thu nợ".
Theo số liệu do Thống đốc NHNN báo cáo lên Quốc hội, tính đến 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua, nhưng chưa xử lý được, là trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, cũng trong năm 2017, ngày 20/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) và điểm đáng chú ý nhất là lần đầu tiên quy định về phá sản ngân hàng đã được đưa vào luật. Theo đó, việc phá sản sẽ chỉ áp dụng với các tổ chức tín dụng đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, không có khả năng phục hồi theo các phương án tái cơ cấu khác.
Một điểm quan trọng mới của Luật này là quy định về chức danh của lãnh đạo ngân hàng. Tại nhiều ngân hàng Việt hiện nay, không hiếm các vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc đang đồng thời là chủ tịch kiêm tổng giám đốc, hoặc là thành viên thành viên hội đồng quản trị của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính dự báo, khi luật có hiệu lực (kể từ ngày 15/1/2018), sẽ có một loạt thay đổi trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của ngân hàng khi các "sếp" ngân hàng sẽ buộc phải "hy sinh" một trong hai chức vụ quan trọng.
8. Thị trường bất động sản chao đảo với những đợt công bố thông tin thanh tra về các khu đất vàng của Nhà nước, các dự án bất động sản lớn...
Đáng chú ý nhất, vào trung tuần tháng 5/2017, Bộ Tài chính đã gửi văn bản đến Thủ tướng về hiện trạng 60 khu đất, dự án đất vàng được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng không qua đấu giá công khai, chưa được sự đồng ý của Thủ tướng.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu chuyển danh sách các dự án nói trên cho Thanh tra Chính phủ xử lý. Được biết, 60 dự án nói trên chủ yếu là các khu đất vàng, đất tại các thành phố, thị xã có giá trị lớn ở Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác. Trong đó tại Hà Nội là dự án khu nhà ở thấp tầng tại Xa, Pandora 53 Triều Khúc, dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng…
Cũng trong năm 2017, hàng loạt cuộc thanh tra về các dự án bất động sản lớn, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng được công bố cũng khiến thị trường bất động sản liên tục "nổi sóng", người mua nhà ở hoang mang.
9. Một năm đẩy mạnh khoán xe công
Sau nhiều năm trì trệ trong các việc cải cách chính sách về quản lý, sử dụng xe công, năm 2017, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên thực hiện chính sách khoán xe công cho các Thứ trưởng, Tổng cục trưởng.
Ngân sách Nhà nước mỗi năm tốn trên 13.000 tỷ đồng cho xe công
Sau khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong dư luận, chính sách trên tiếp tục mở rộng, áp dụng cho các chức danh là cấp Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, các Thứ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng cục trưởng, lãnh đạo tập đoàn,... Đây là các chức danh đều không thuộc diện được trang bị xe ô tô riêng và phải chấp nhận việc khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khi đi công tác thì được dùng xe phục vụ công tác chung.
Chính sách khoán xe công dự kiến sẽ còn được mở rộng trong năm 2018 và sẽ giúp giảm đáng kể kinh phí nhà nước đầu tư cho việc mua sắm, sử dụng xe công do lượng xe công hiện nay còn trên 30.000 chiếc, trung bình tiêu tốn hơn 320 triệu đồng/chiếc/năm.
10. Tình trạng “trên nóng duới lạnh” trong điều hành kinh tế xã hội
Trong năm 2017, trong khi Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành có những cố gắng, nỗ lực để thực hiện các chính sách cải cách nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và khơi thông môi trường kinh doanh thì khu vực thực thi ở các địa phương, doanh nghiệp Nhà nước chậm cải cách, chậm thực thi nền hành chính công vụ.
Thủ tướng chia sẻ tâm tư với các chuyên gia là thành viên Tổ tư vấn ngày 23/12 (ảnh VGP)
Chi phí doanh nghiệp vẫn cao, chi phí không chính thức của DN vẫn chiếm tỷ lệ lớn, các chính sách, chỉ đạo của Thủ tướng, trưởng ngành đến cơ sở còn chậm, thực hiện sai hoặc chưa đúng chỉ đạo. Trong đó vẫn xảy ra tình trạng buôn gian, bán lận khó quản lý, không quy trách nhiệm người đứng đầu.
Dân trí