GDP 2017 tăng trưởng "ngoạn mục" nhờ đâu?
(Dân trí) - GDP 2017 tăng 6,81% là kết quả tính toán hoàn toàn tin cậy. Đó là khẳng định của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm trong buổi họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2017” diễn ra chiều nay (27/12).
GDP 2017 tăng 6,81% là kết quả hoàn toàn tin cậy
Lý giải về sự tăng trưởng cao và bất ngờ này, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Tài khoản Quốc gia cho biết: “GDP 2017 tăng 6,81% bởi rất nhiều lý do. Năm 2017, điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản, thủy sản cũng tăng cao.”
“Khu vực công nghiệp và xây dựng phát triển mạnh mẽ và ngoạn mục ở ngành chế biến, chế tạo. Giá trị ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng cao tới 14,5% làm cho ngành công nghiệp tăng trưởng khá cao, tới 9,4%. Điểm sáng trong ngành này chính là điện tử, máy tính,…tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước. Không những thế, xuất khẩu của ngành chế biến, chế tạo cũng tăng cao”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng: “Sản xuất công nghiệp có sự bứt tốc nhanh vào những tháng cuối năm, trong khi chỉ số công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ tăng có 6,1%. Đặc biệt, quý I tăng thấp, chỉ 4%, nhưng tăng nhanh vào các tháng cuối năm, quý III tăng 9,7% và quý IV tăng đột biến lên 14,4%.”
“Khu vực dịch vụ vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn hoặc bằng năm 2016. Đóng góp của khu vực này chủ yếu ở các ngành hoạt động bằng ngân sách Nhà nước. Mức tăng trưởng ổn định do có chính sách tăng lương, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục”, ông Hùng cho biết thêm.
Nhưng bên cạnh đó, sự tác động của khách du lịch quốc tế cũng đóng góp rất nhiều. Năm ngoái, Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 10 triệu khách du lịch quốc tế, thì năm nay đã đón tới 12,9 triệu khách.
Ông Hùng cho rằng: “Đóng góp trực tiếp của ngành này tuy là nhỏ nhưng đóng góp lan tỏa của nó tới các ngành: thương mại, vận tải, nhà hàng, khách sạn,ngân hàng, vui chơi giải trí…là rất lớn.”
“Một yếu tố nữa góp phần vào tăng trưởng của năm nay đó là lợi nhuận của các ngân hàng đều rất tốt. Năm 2017 còn tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng 2 con số của thị trường bảo hiểm. Tổng quỹ bảo hiểm ước đạt 105,6 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2016”, ông Hùng nói.
“Và đặc biệt sự tăng trưởng ngoài dự đoán của xuất nhập khẩu khi lần đầu Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD”, ông Hùng khẳng định thêm.
Vẫn còn rất nhiều yếu tố quyết định tới sự tăng trưởng ngoạn mục này, nhưng Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định “6,81% là kết quả tính toán hoàn toàn tin cậy.”
Con số này, theo ông Lâm, được tổng hợp từ báo cáo hàng tháng và có số liệu thống kê đầy đủ, chi tiết và tính toán theo cách tính khoa học của thế giới.
Tăng trưởng ngoạn mục ở các lĩnh vực
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46% và quý IV tăng 7,65%.
Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016. Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00% đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngành lâm nghiệp tăng 5,14%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành nông nghiệp tăng 2,07% (năm 2016 tăng 0,72%), đóng góp 0,24 điểm phần trăm.
Điều này cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,40% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây).
Ngành khai khoáng giảm 7,10% làm giảm 0,54 điểm phần trăm của mức tăng chung. Đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây, chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,6 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 38 triệu tấn, giảm hơn 180 nghìn tấn.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ đạt mức tăng 8,36% so với năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung (0,79 điểm phần trăm).
Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,00%.
Xét về góc độ GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,30 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Thế Hưng