Vị thế người thầy nằm ở trái tim con trẻ

(Dân trí) - Vị thế của người thầy không nằm ở những mỹ từ ca tụng, những lời cao quý hay bất cứ sự vinh danh nào. Vị thế, hình ảnh của người thầy nằm ở trái tim con trẻ, thể hiện ở sự trưởng thành của trẻ.

Giữa không gian đông đúc và khá ồn ào của buổi giao lưu “Trái tim người thầy” do Công đoàn giáo dục TPHCM tổ chức sáng 17/11, chia sẻ của người trong cuộc đưa đến những giây phút đầy tâm tư, lắng đọng về nghề giáo, về tình thầy trò.

Các giáo viên chia sẻ tại buổi giao lưu Trái tim người thầy
Các giáo viên chia sẻ tại buổi giao lưu "Trái tim người thầy"

Khi được hỏi về vị thế của giáo viên ngày nay, cô Hoàng Thụy Bích Thủy, giáo viên Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q.7 không đề cập đến việc người thầy phải được xã hội tôn vinh, mọi người ca tụng bởi những mỹ từ mà cô trả lời: Vị thế, hình ảnh người thầy như thế nào đều ở trái tim con trẻ.

Đâu đó, hình ảnh người thầy đang bị phai nhạt, bị tổn thương là một vết xước cần được xóa để giữ truyền thống tôn sự trọng đạo và đây là trách nhiệm của giáo dục, giáo dục làm chưa tới. Còn bản thân mỗi người thầy, theo cô Thủy phải luôn tự học để hoàn thiện mình, học từ chính phụ huynh, từ học sinh để rèn dũa về chuyên môn và tâm huyết với nghề chính là cách để xây dựng vị thế của mình.

Cô Thùy cũng bày tỏ mình muốn mình trở thành một nhà giáo dục hơn là một giáo viên. Người thầy không chỉ dạy các em hết tiết là xong mà còn phải gắn bó, gần gũi, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của học trò thì mới có thể giáo dục các em được. Cách ăn nói, ứng xử cũng như việc học làm người các em sẽ học từ người lớn, đòi hỏi người thầy phải mẫu mực.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn tuyên dương những giáo viên tiêu biểu trong buổi giao lưu
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn tuyên dương những giáo viên tiêu biểu trong buổi giao lưu

Không chỉ hình ảnh thầy trong mắt trò mà với hình ảnh trò đọng lại trong ký ức của thầy cũng là những dấu ấn đáng nhớ với nghề giáo. Đã hơn 10 năm trôi qua, hôm nay thầy Nguyễn Thái Hoàng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ vẫn nhớ về cậu học trò cá biệt mình từng dạy học.

Rất nhiều giáo viên than phiền và e ngại về cậu học trò này vì cậu chểnh mảng, khó bảo. Khi nhận em vào lớp là năm em học lớp 12, việc đầu tiên thầy Hoàng làm là tìm hiểu nguyên do và biết rằng gia cảnh của em rất đặc biệt, có 8 anh chị em, gia đình chồng chất khó khăn để nuôi con ăn học, nhất là khi người bố lại có đến 2 bà vợ.

Thầy Hoàng nhận ra sự buông xuôi, chán nản, bi quan và bất cần của em chính vì sự thiếu quan tâm của người thân. Đã có lần cậu học trò bị bố mắng mỏ, ném cặp sách khi xin tiền đóng học.

Phụ trách lớp, thầy Hoàng đã có một quyết định gây sửng sốt khi… chỉ định cậu học trò làm lớp phó học tập. Rằng thầy thấy ở em có rất nhiều tố chất để làm lãnh đạo như thông minh, nhanh nhẹn và hơn hết thầy muốn tạo một động lực để “ràng buộc” sự cố gắng, nỗ lực và trách nhiệm từ em. Cuối năm đó, dù điều kiện gia đình vẫn không khá lên nhưng em đã trở thành một trong những học trò xuất sắc của lớp.

Chính thầy Hoàng cũng là người gợi ý để cậu học trò thi vào ĐH Ngân hàng lúc em còn lúng túng chưa biết rõ mình thích gì, muốn gì. Đi đúng đường, chọn đúng hướng cùng với nỗ lực hết mình, cậu học trò cá biệt giờ là phó giám đốc chi nhánh một ngân hàng nước ngoài đóng tại TPHCM.

Trong con đường sự nghiệp của mình, thầy Nguyễn Thái Hoàng luôn tâm niệm sự thành công của một ông thầy, vị thế của một nhà giáo chính là sự trưởng thành của học trò.

Là một giáo viên, cô Dương Thị Hải Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ lại mang đến câu chuyện về mình trong vai trò một học sinh nhớ người thầy dạy Văn đã khuất.

Thầy hút hồn học trò với nét chữ đẹp, giọng trầm ấm và qua mỗi bài giảng. Mỗi tác phẩm văn học thầy không chỉ trao cho học trò kiến thức mà hơn hết mang đến cho các em lý tưởng đẹp đẽ về tình bạn, tình yêu, quê hương đất nước, về cuộc sống…


Cô Dương Thị Hải Quý kể về người thầy dạy Văn đáng kính đã khuất của mình

Cô Dương Thị Hải Quý kể về người thầy dạy Văn đáng kính đã khuất của mình

Có thời gian, cô Quý từng ở nhà thầy để tiện đến trường vì nhà xa, đi lại quá khó khăn nên cô càng có nhiều cơ hội tiếp xúc, cảm nhận về lối sống ân tình của một nhà giáo. Chính thầy đã tiếp lửa cho tình yêu với ngành sư phạm trong cô để hôm nay cô Quý lại đang tiếp tục truyền ngọn đuốc cho thế hệ trẻ.

Mỗi người thầy trong hàng triệu người thầy đều có những ký ức buồn vui về nghề và đều gắn liền với hình ảnh của học trò. Dịp 20/11 không chỉ là ngày để trò nhớ thầy, biết ơn thầy mà còn có những khoảng lặng dành cho người thầy nhớ về học trò.

Hoài Nam

Dòng sự kiện: 34 năm Ngày Nhà giáo VN