Trường đại học tự phong giáo sư, phó giáo sư là sai quy định

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí ngày 15/9, ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh GS Nhà nước khẳng định: “Đúng như nội dung báo chí phản ánh là trường ĐH Tôn Đức Thắng đang triển khai thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường là sai quy định”.

Hiện nay, trường ĐH Tôn Đức Thắng đang triển khai thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường. Hiện trường bắt đầu xây dựng thủ tục quy trình và ra thông báo để cán bộ, viên chức trong trường và các nhà khoa học bên ngoài cũng có thể nộp đơn đăng ký bổ nhiệm GS, PGS…

Ông Bùi Mạnh Nhị cho biết, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước không có chức năng kiểm tra vấn đề này mà chức năng kiểm tra là của Bộ GD-ĐT. Hội đồng chức danh Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.


Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2014

Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2014

Trước đó, vào tháng 2/2015, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017.

Ông Nhị cho rằng, Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS)  là các chức danh khoa học cao quý của các nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước rất trân trọng việc tự chủ của các trường đủ điều kiện để thực hiện và chịu trách nhiệm về việc tự chủ. Nhưng càng được tự chủ, càng tôn trọng pháp luật, càng tránh tùy tiện, phải đảm bảo quy định, đảm bảo mặt bằng chất lượng quốc gia. Trường ĐH Tôn Đức Thắng muốn thí điểm, phải có văn bản đề nghị, có đề án trình bày rõ mục đích, tiêu chuẩn, quy trình và được cấp có thẩm quyền cho phép. Khi văn bản pháp luật chưa cho phép điều này, thì việc làm của trường ĐH Tôn Đức Thắng như báo chí đã phản ánh là vi phạm.  

Trao đổi với Dân trí ngày 15/9, ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết, Cục Nhà giáo đã trao đổi với lãnh đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng về vấn đề này. Hiện nhà trường đang chuẩn bị tài liệu gửi tới Cục Nhà giáo báo cáo sự việc. Khi có cáo báo, chúng tôi sẽ xem xét và có kết luận chính thức về vấn đề này.

Ngày 31 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ban hành "Quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS"; HĐCDGS nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).

Hội đồng Chức danh giáo sư (HĐCDGS) gồm Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGS nhà nước), các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành (HĐCDGS ngành) và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGS cơ sở).

Trình tự họp xét hồ sơ ứng viên rất nghiêm ngặt, ứng viên phải qua ba cấp hội đồng xét duyệt: Hội đồng Chức danh GS cơ sở, Hội đồng Chức danh GS ngành/liên ngành và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước.

Trước đó, trao đổi với Dân trí, TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM), cho biết, việc trường phong GS, PGS là một hình thức bổ nhiệm một chức vụ chuyên môn ở trong trường. Mục đích bổ nhiệm này nhằm phân công nhiệm vụ các thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng hơn, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường.

Cũng theo ông Út, nhà trường đã tham khảo hoạt động của các trường ĐH ở các nước tiên tiến trên thế giới về các tiêu chí bổ nhiệm trợ lý GS, PGS, GS trên cơ sở đó vận dụng vào thực tế của trường. Đối với các giảng viên, nhà khoa học đã được Nhà nước phong PGS, GS rồi, nay nếu đạt các tiêu chí của trường thì có thể sử dụng song song cả hai.

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)