Triển khai mô hình trường học mới phải được sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT có Công văn số 3459 gửi các Sở GD&ĐT về việc rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) Theo đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, cộng đồng trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận của học sinh, cha mẹ học sinh.


Mô hình trường học mới, cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp

Mô hình trường học mới, cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp

Theo Bộ GD&ĐT, các trường chuẩn bị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lí và giáo viên, đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo phương thức dạy học mới một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho rằng, một số trường còn nhận thức chưa đúng về mô hình trường học mới (coi mô hình trường học mới là chương trình giáo dục mới); chưa chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí, tài liệu dạy học, điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học nên triển khai thực hiện máy móc, rập khuôn; tổ chức hoạt động học của học sinh một cách hình thức, chưa hiệu quả; một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập mong muốn; chưa tạo được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, gây bức xúc trong xã hội.

Để thực hiện phương thức dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm theo mô hình trường học đạt chất lượng và hiệu quả. Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học và THCS rà soát, đánh giá tình hình triển khai mô hình trường học mới tại địa phương.

Theo đó, về giáo viên và cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp theo quy định đối với từng cấp học; có kỹ năng thiết kế bài học và tổ chức hoạt động học của học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, lựa chọn và sử dụng thiết bị dạy học và học liệu phù hợp để tổ chức hoạt động học của học sinh đạt hiệu quả thiết thực, đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Cán bộ quản lý hiểu rõ, nắm chắc phương thức dạy học theo mô hình trường học mới; có cán bộ quản lý chuyên trách chỉ đạo, theo dõi, giám sát, chịu trách nhiệm về kết quả triển khai phương thức dạy học mới.

Cán bộ quản lý và giáo viên đã được tập huấn (trực tiếp hoặc qua mạng) về phương thức dạy học theo mô hình trường học mới đạt yêu cầu trở lên.

Phối hợp chặt chẽ với gia đình, cộng đồng trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận của học sinh, cha mẹ học sinh.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phải đảm bảo sĩ số lớp học theo quy định tại Điều lệ nhà trường đối với từng cấp học: cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; cấp trung học cơ sở không quá 45 học sinh/lớp.

- Phòng học đảm bảo diện tích theo tiêu chuẩn quốc gia,có đủ các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.

- Sách và tài liệu hướng dẫn dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện phương thức dạy học mới, đã được Bộ GDĐT thẩm định, cho phép sử dụng.

Bộ GD&ĐT yêu cầu kết quả rà soát, đánh giá được gửi về sở GDĐT để theo dõi, chỉ đạo: các trường đủ điều kiện tiếp tục thực hiện, đảm bảo hiệu quả, chất lượng; đối với các trường chưa đủ điều kiện thì chưa áp dụng hoàn toàn mô hình để tiếp tục chuẩn bị, trước mắt lựa chọn một số thành tố của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, có giải pháp phù hợp để học sinh có nguyện vọng được tiếp tục học theo phương thức dạy học mới.

Ngoài ra, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trường học mới tại địa phương từ năm 2017 - 2018. Tổ chức tốt công tác truyền thông; tăng cường tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo giám sắt, hỗ sợ việc áp dụng mô hình trường học mới.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm