Tổng thống Obama: Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào quốc gia đầu tư và ưu tiên cho giáo dục

(Dân trí) - Trong bài phát biểu dài hơn 30 phút trước khoảng 2.000 người tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội vào trưa ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói tới môi trường giáo dục, ông cho rằng: “Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia đầu tư và ưu tiên cho giáo dục”.


Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu hơn 30 phút trước 2000 người tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội vào trưa ngày 24/5 về quan hệ Việt - Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu hơn 30 phút trước 2000 người tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội vào trưa ngày 24/5 về quan hệ Việt - Mỹ

Nói về môi trường giáo dục, Tổng thống Obama khẳng định: “Quyền đi học của con người rất quan trọng và phát triển nền giáo dục rất quan trọng. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia đầu tư và ưu tiên cho giáo dục. Do vậy, bên cạnh việc phát triển hợp tác kinh tế, tôi nghĩ chúng ta cần phải đầu tư vào nguồn lực con người. Đó là những kỹ năng, đào tạo và nuôi dưỡng những con người có tài năng bên cạnh khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên cho dù người đó sống ở làng quê hay đô thị. Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Hoa Kỳ có thể hợp tác với Việt Nam. Đội Hòa Bình sẽ đến Việt Nam để dạy tiếng Anh cho người Việt Nam”.

“Thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây để đóng góp cho sự phát triển của xã hội Việt Nam và làm sâu sắc hơn với tình hữu nghị với người Việt Nam” – ông Obama nói.

Tổng thống Obama cho biết, rất nhiều và một số công ty hàng đầu về công nghệ của Hoa Kỳ, các đại học có danh tiếng của Hoa kỳ đã đến Việt Nam tăng cường hợp tác đào tạo về các lĩnh vực khoa học công nghệ, toán học, y tế... bởi vì khi chúng tôi muốn chào đón nhiều công dân Việt Nam sang Mỹ và thanh niên Việt Nam sang Mỹ thì chúng tôi mong muốn ngay tại Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ được hưởng những giá trị giáo dục tốt hơn.

Ông Obama vui mừng thông báo, trong mùa thu năm nay, trường ĐH Fullbright của Mỹ sẽ được mở tại TP.HCM. Đây là một trường ĐH phi lợi nhuận, là một trường ĐH chất lượng cao cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam và đóng góp cho hợp tác giáo dục giữa 2 nước.

Các sinh viên học giả, nhà nghiên cứu của 2 nước sẽ tập trung vào lĩnh vực Chính sách công, Quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực về máy tính, các lĩnh vực từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh đến lĩnh vực toán của GS Ngô Bảo Châu sẽ được thúc đẩy hợp tác hơn nữa.

Được biết, trước đó, ngày 16/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định thành lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam.

Trường ĐH Fulbright Việt Nam có tên tiếng Anh là Fulbright University Vietnam, viết tắt: FUV. Trường đặt trụ sở chính tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Trường chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ GD-ĐT và sự quản lý nhà nước về lãnh thổ của UBND TP.HCM.

Theo quyết định thành lập, Trường ĐH Fulbright Việt Nam là cơ sở giáo dục ĐH 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, hoạt động không vì lợi nhuận.

Trường Fulbright Việt Nam được xây dựng trên cơ sở phát huy nguồn vốn và con người của Trường Fulbright. Vốn đầu tư thực hiện dự án Trường Đại học Fulbright Việt Nam là 70 triệu đô la Mỹ. Trong đó, mức đầu tư giai đoạn đầu (đến năm 2016) là 5,3 triệu đô la Mỹ, giai đoạn hai (2017 – 2020) là 20 triệu đô la Mỹ, và giai đoạn ba (2020 – 2030) là 44,7 triệu đô la Mỹ.

Điểm khác biệt so với các trường đại học Việt Nam mà FUV xác định trong cơ chế hoạt động của mình là mô hình quản trị và tài chính. Cụ thể, về quản trị, mặc dù trường do Quỹ tín thác sáng kiến ĐH VN (TUIV) đăng ký thành lập nhưng quỹ này là một tổ chức phi lợi nhuận và do đó trường sẽ không có cổ đông chi phối như các trường tư thục ở VN.

Quỹ này cũng là đơn vị huy động vốn đầu tư dự án FUV. Tài chính được huy động từ 3 nguồn: tài trợ ổn định hằng năm của chính phủ Mỹ; tiền thiện nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tại nước Mỹ; nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cá nhân tại VN.

Dự kiến, Trường ĐH Fulbright sẽ tuyển sinh sớm nhất vào cuối năm 2016. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu của FUV sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính sách công và quản lý, các ngành STEM (khoa học, kỹ thuật, cơ khí, toán) và y khoa, các ngành khoa học xã hội – nhân văn và các ngành khoa học liên ngành.

Hồng Hạnh