Kon Tum:
Tình nguyện dạy kèm buổi tối cho học sinh yếu
(Dân trí) - Vì tương lai của học sinh nghèo mà các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Măng Ri (xã Măng Ri, Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã vượt hàng trăm cây số để “cắm bản” gieo chữ. Đặc biệt, ngoài giờ dạy thì mỗi tối các giáo viên nơi đây lại sáng đèn dạy thêm cho các học sinh học yếu, tiếp thu bài chậm.
Cách TP Kon Tum hơn 100 km về hướng Bắc là ngôi trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri nằm chênh vênh giữa ngọn núi Ngọc Linh. Nơi đây ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi những con đèo quanh co dài hàng chục cây số. Đời sống và trình độ dân trí của bà con dân tộc Xê Đăng còn thấp, con đường đến trường của các em vì vậy mà ngày một xa hơn.
Thầy Nguyễn Xuân Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Măng Ri cho biết, thời xưa nơi đây còn là một “vùng trắng” giáo dục bởi khoảng cách về địa lý, giao thông và đặc biệt là khí hậu quanh năm đều từ khoảng 10-15 độ. Nhưng những năm gần đây, nhờ được sự quan tâm của ngành giáo dục đã đưa nhiều giáo viên đến “cắm bản” để dạy chữ cho bà con đồng bào Xê Đăng. Ở đây trường có khoảng hơn 30 giáo viên thì đều là giáo viên trẻ, người ở gần nhất thì cách 70km còn người xa thì ở các tỉnh như Đăk Lăk, Quảng Nam, chính thầy và vợ thầy cũng từ ngoài Vĩnh Linh (Quảng Trị) vào đây dạy học.
Ở tuổi 30, cô Phạm Thị Trà My (GV dạy lớp 1, quê ở Đăk Lăk) đã có hơn 8 năm gắn bó với trường Măng Ri và cũng đã nếm đủ mọi khó khăn vất vả nơi đỉnh Ngọc Linh này. Cô My bộc bạch: “Những đêm nằm ngủ mà vắt rừng, bọ chét đất, muỗi rừng “bủa vây”. Những ngày mưa gió, chạy xe máy đến nhà dân để vận động học sinh tới lớp, cô chỉ sợ nhất là những con dốc hướng “lên trời”, chiếc xe cô nhưng ì dần khi lên đến đỉnh. Tiếp theo là những cái lạnh như “xé thịt”, bởi độ cao của dãy Ngọc Linh lên đến từ 1.500-2.000 mét, quanh năm sương mù phủ trắng…”.
“Nhưng dần rồi cũng quen, các phụ huynh cũng thấu hiểu được những khó khăn của các giáo viên nên cũng tự giác chở các em đến tận trường để học chữ. Nếu những học sinh nào bị ốm, thì phụ huynh đều gọi xin phép thầy cô, điều này là món quà rất quý đối với những giáo viên vùng cao như chúng tôi… Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức mình để đưa con chữ đến với các em. Ban ngày, tôi thường dạy các tiết học theo như giáo án, nhưng vì trình độ nhận thức các em học sinh đồng bào ở đây còn yếu nên buổi tối tôi phải tranh thủ vận động một số em học sinh yếu, tiếp thu chậm để kèm cặp thêm…”, cô My tâm sự.
Cô Trần Thị Huyền Diệu (GV dạy lớp 4, quê Quảng Trị) chia sẻ: “Trong lớp thấy những học sinh nào yếu thì các cô đều dặn tối đến lại lớp để các cô dạy kèm thêm. Trung bình mỗi tối có khoảng từ 15-20 em học sinh/mỗi lớp đến học. Các lịch dạy đêm cũng phụ thuộc các giáo viên tự sắp xếp và dựa trên tinh thần tự nguyện các thầy cô. Một phần thuận lợi là các thầy cô giáo đều ở xa nên phải “cắm bản” ở lại. Nên khi tối đến, các thầy cô tranh thủ thời gian để dạy thêm cho các em học sinh đồng bào nơi đây…”.
“Thời gian đầu tôi phải đi vận động từng phụ huynh học sinh để cho các em tới lớp học. Cùng với đó, nhiều em có sức học yếu nhưng không muốn đến lớp nên có lúc tôi phải mua bánh kẹo để vận động, ai đến lớp sẽ được... thưởng kẹo. Thế là các em rủ nhau kéo đến chật lớp. Mỗi tiết học khoảng 2h đồng hồ nhưng cũng giúp các em học tốt hơn nhiều…”, cô Diệu bộc bạch.
Lớp học tối luôn "sáng đèn" để dạy các học sinh nghèo vùng cao
Thầy Lê Anh Sơn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri cho biết: “Việc dạy thêm buổi tối này đều dựa vào tinh thần tự nguyện của các giáo viên. Nhà trường tạo điều kiện về phòng học và điện sáng để giúp các thầy cô kèm thêm cho những những học sinh yếu, tiếp thu bài chậm. Việc dạy thêm buổi tối này đã được các thầy cô duy trì hơn 3 năm nay và trung bình thì mỗi thầy cô dạy khoảng 3 buổi tối/tuần. Chủ yếu, buổi tối là rèn tập viết chữ, khả năng tính toán, tập đọc cho các em. Nhờ vậy mà những buổi dạy chính khóa các em tiếp thu bài rất nhanh, hiểu quả giáo dục vùng cao cũng được nâng lên đáng kể.
Cứ đến khoảng 6h tối là lúc hàng chục em học sinh bắt đầu í ới gọi nhau đội đèn pin, cắp sách đến lớp. Hình ảnh các thầy cô cầm tay nắn nót cho các em những chữ cái đầu đời như thắp lên hy vọng cho tương lai tươi sáng của cả vùng núi Ngọc Linh.
Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết: "Ở đây 100% là học sinh người đồng bào Xê Đăng nên trình độ dân trí còn thấp. Muốn bà con phát triển kinh tế, xã hội thì trước hết phải làm tốt công tác giáo dục, phải có những người đưa ánh sáng giáo dục đến thì lúc đó nhận thức bà con mới đổi thay. Những người thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy không ai khác chính là các thầy cô bám bản ở xã vùng cao này".
Phạm Hoàng