Quảng Trị:
Thoát nghèo, nuôi 2 con học đại học nhờ trồng cao su, hồ tiêu
(Dân trí) - Nhận ra những thế mạnh vùng gò đồi, vợ chồng anh Phan Văn Thắng và chị Lê Thị Vân (thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã tích cực mở rộng diện tích trồng cao su, hồ tiêu. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ cây trồng, vật nuôi mà gia đình thoát được nghèo, đầu tư cho con đi học đại học.
Gia trại của gia đình anh Thắng, chị Vân tạo dựng được hôm nay là kết quả của quá trình dài lao động vất vả, khổ cực nhiều năm trời. Chị Vân nói rằng, những vất vả trong buổi đầu lập nghiệp khó có thể kể hết.
Anh Thắng là con trai của vợ chồng ông Phan Văn Quýt (94 tuổi) và bà Trần Thị May (85 tuổi). Những năm kháng chiến, ông Quýt và bà May tham gia cách mạng rồi rời mảnh đất Thừa Thiên Huế ra sinh sống, hoạt động tại Quảng Trị. Ngày đất nước thống nhất, hai ông bà không trở về quê cũ mà chọn định cư ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày đó khu vực còn rất hoang vu, hẻo lánh, đầy rẫy đạn bom còn sót lại sau chiến tranh.
Nay vợ chồng ông Quýt tuổi đã cao, ông được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, bà May cũng vừa tròn 55 tuổi Đảng. Thế nhưng, ông bà vẫn luôn giáo dục, định hướng cho các con và luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế gia đình, chuyện học tập của con cháu. Tất cả các cháu của ông bà đều ngoan ngoãn, lễ phép, học tập khá, giỏi, trong số đó có 2 người cháu nội đã vào đại học.
Vợ chồng ông Quýt đã góp phần tạo dựng nên cơ nghiệp ban đầu để làm nền móng cho các con hôm nay kế tục phát triển.
Không chấp nhận nghèo đói, vợ chồng anh Thắng đã tích cực mở rộng quy mô sản xuất, trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi bò, lợn để tăng năng suất. Chị Lê Thị Vân cho biết, hiện gia đình có 6 ha cây cao su, khoảng 400 gốc hồ tiêu; ngoài ra còn chăn nuôi bò, gà, thả cá… Tổng thu nhập của gia đình hàng năm đạt khoảng 250 triệu đồng, trong đó, thu hoạch từ cao su khoảng 120 triệu đồng, hồ tiêu khoảng 60 triệu đồng.
Ban đầu, dù kinh tế còn khó khăn, chưa có nguồn thu nhập ổn định, song hai vợ chồng chị Vân vẫn quyết tâm đầu tư cho con học tập.
Gia đình anh Thắng, chị Vân được xem là hộ dân khuyến học tiêu biểu của thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Anh Thắng, chị Vân có 3 người con và tất cả đều có kết quả học tập đạt loại khá, giỏi trong nhiều năm liền. Hiện cô con gái đầu Phan Thị Thảo Phương (SN 1996) là sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; cậu con trai Phan Hoài Nam (SN 1999) đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Luật - Đại học Huế; cô con gái út Phan Thị Thảo Sương (SN 2008) đang là học sinh Tiểu học.
Chị Vân cho biết: "Những năm trước hai chị em đi học cùng lúc nên khá vất vả, chi phí học tập nhiều. Tuy nhiên, hai vợ chồng tui cố gắng động viên nhau, nỗ lực lao động để có điều kiện chu cấp cho con học tập. Hiện mỗi tháng, vợ chồng tui phải chu cấp cho hai đứa con học đại học gần 10 triệu đồng."
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh Thắng, chị Vân cũng có nhiều đóng góp cho hoạt động của thôn, xóm và thị trấn. Gia đình ông Quýt thuộc diện chính sách nên các hoạt động xã hội đều tiên phong. Ngoài chăm lo cuộc sống gia đình, chị Vân còn tham gia công tác mặt trận của thôn 4, thị trấn Bến Quan, hoạt động rất năng nổ, nhiệt tình.
Chị Lý Thị Nga - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Bến Quan cho biết, thị trấn có hơn 1.000 hội viên khuyến học. Trong đó, gia đình ông Quýt được xem là gia đình khuyến học tiêu biểu.
Những năm qua, Hội Khuyến học thị trấn luôn chú trọng xây dựng và phát triển công tác khuyến học, khuyến tài. Thị trấn có 15 chi hội Khuyến học luôn thực hiện tốt các phòng trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”… Nhờ sự vào cuộc vận động tích cực của các cơ quan, đơn vị, người dân đã ý thức hơn và quan tâm đến việc học tập của con.
“Hội Khuyến học thị trấn đã tham mưu cho cấp trên ra các nghị quyết để xây dựng công tác khuyến học, khuyến tài vững mạnh. Hàng năm, Hội Khuyến học đều tổ chức tuyên dương các cá nhân, gia đình, đơn vị khuyến học tiêu biểu, trao thưởng cho các học sinh có thành tích cao, các tân sinh viên. Tỷ lệ học sinh địa phương thi đậu và học tập tại các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng”, chị Nga nói.
Đ. Đức