Thi trắc nghiệm khách quan: Liệu có ưu việt hơn cách thi cũ?

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT đã công bố hình thức thi trắc nghiệm khách quan. Theo đó, tháng 11/2005, Bộ sẽ tổ chức thi thí điểm ở một số vùng miền, tháng 1/2006 sẽ thi thử cho HS lớp 12 trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn: cách thi này có ưu việt hơn tự luận hay không?

Theo Tiến sĩ Nguyễn An Ninh, Cục Trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT- đơn vị được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ thực hiện việc triển khai thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ), Bộ GD-ĐT quyết định áp dụng thi TNKQ, vì phương pháp này kiểm tra được nhiều kiến thức hơn, đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng hơn, tiết kiệm hơn và tốn ít thời gian làm bài của thí sinh cũng như thời gian chấm điểm của hội đồng.

 

Như kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nếu áp dụng TNKQ sẽ tiết kiệm được hàng tỷ đồng vì không phải huy động hàng trăm nghìn người chấm thi. Một điều thuận lợi nữa, khi TNKQ được triển khai thì có thể kết hợp cả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học làm một vì hai kỳ thi đó rất sát nhau và có cùng một đối tượng. Như vậy sẽ giảm đáng kể căng thẳng cho xã hội, vừa tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. TNKQ đặc biệt thích hợp với những kỳ thi đại trà, có số lượng thí sinh đông như kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh đại học.

 

Thi TNKQ sẽ đảm bảo tính khách quan, công bằng và không thể có điều kiện thích hợp cho việc phát triển yếu tố may rủi. Trong khi đề thi tự luận rất khó tránh khỏi sự gian lận, thiếu công bằng, không kiểm tra được kiến thức toàn diện của thí sinh vì đề thi tự luận chỉ có từ khoảng 3-4 câu  nên vẫn mang nhiều yếu tố may rủi, thậm chí tiêu cực do phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. Thực tế, cùng một bài thi nhưng có sự đánh giá chênh lệch đáng kể giữa những người chấm khác nhau, có khi là cùng một nhưng chấm ở thời điểm khác nhau thì kết quả cũng khác nhau. TNKQ khắc phục được các nhược điểm này.

 

Với việc chấm đề thi TNKQ hoàn toàn bằng máy quét quang học, chỉ cần 1 đến 2 ngày là thí sinh đã biết kết quả thi, giảm bớt gánh nặng tâm lý căng thẳng vì phải chờ đợi điểm của thí sinh như hiện nay.

 

Đối với thí sinh có ý định sử dụng tài liệu thì thi TNKQ là một bất lợi cho thí sinh! Nếu trong thời gian làm bài 180 phút của đề thi tự luận, thí sinh vẫn có cơ hội sử dụng tài liệu thì với đề thi TNKQ, cơ hội này là không thể. Thời gian làm bài thi TNKQ là không quá 45phút với thi tốt nghiệp THPT và 90 phút với thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

 

Phương pháp thi TNKQ đã xuất hiện ở Việt Nam đến nay đã được  mười năm. Từ năm 1996, trường ĐH Đà Lạt đã áp dụng hình thức thi này, tiếp đó năm 1998 là trường ĐH Tây Nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thi hình thức này cho khối B từ năm 1999 và tháng 10 /2004, ĐH Cần Thơ tổ chức thi tuyển sinh ngành đại học không chính quy bằng hình thức thi TNKQ.

 

Không chỉ áp dụng ở tuyển sinh ĐH, một số trường THCS học chương trình mới cũng áp dụng thi trắc nghiệm. Cùng đó, NXB Giáo dục đã xuất bản nhiều sách bài tập Toán và các đề kiểm tra lớp 7 theo hình thức TNKQ…

 

Theo kế hoạch, đề thi ngoại ngữ (tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng trung, tiếng Anh) sẽ ra hoàn toàn dưới hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 6/2006) và kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH (tháng 7/2006).

 

 

Những lưu ý khi làm bài bài TNKQ:

Theo khuyến cáo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, thí sinh cần 3 lưu ý sau khi làm bài thi TNKQ:

 

1. Đọc nhanh và không nhìn... thí sinh bên cạnh!

Vì, thí sinh ngồi cạnh nhau có thể có đề thi giống nhau về nội dung nhưng sẽ khác nhau về thứ tự câu hỏi. Thí sinh làm bài trên phiếu “Trắc nghiệm khách quan” đã được in sẵn. . Đề thi TNKQ có nhiều phiên bản do máy tính tự động xáo trộn thứ tự các câu hỏi, cũng như thứ tự các phương án trả lời.

 

2. Tuyệt đối không chủ quan

Nhìn qua tưởng đề thi TNKQ dễ và đơn giản nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy. Nếu không nắm vững kiến thức thì không thể chọn được đáp án đúng khi thời gian để trả lời cho mỗi câu chỉ đủ để thí sinh đọc và quyết định nhanh. Vì, thời gian để trả lời cho mỗi câu hỏi chỉ có từ 1-2 phút. Mỗi câu hỏi lại nêu ra một vấn đề trong nội dung môn thi và đều có 4 lựa chọn A, B, C, D yêu cầu thí sinh chọn và đánh dấu vào đáp án đúng nhất.

 

3. Đặc biệt phải tuân thủ cách làm bài

Thí sinh phải đặc biệt tuân thủ quy cách làm bài vì bài thi của thí sinh hoàn toàn chấm bằng máy, nếu  trả lời nhiều phương án, thí sinh sẽ bị mất điểm. Điểm của bài thi được tính theo phương pháp thống kê căn cứ trên số câu mà thí sinh dánh đấu đúng.

 

 

Mai Minh