Thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học: Cần một cuộc "thi đấu" sòng phẳng

(Dân trí) - Các phụ huynh, các em học sinh sẵn sàng chịu tốn kém, chịu vất vả hơn một chút để được chủ động “thi đấu” sòng phẳng vào ngành học, trường học mà mình có sở trường và yêu thích bởi đó là chuyện tương lai của cả cuộc đời.

Xung quanh việc thi cử THPT Quốc gia, đôi năm nay chúng ta đã có những cải tiến mà nhìn từ một phía nào đó và theo tuyên truyền là đạt thắng lợi. Rằng là đỡ áp lực cho học sinh, đỡ tốn kém thời gian, sức lực cho các em và phụ huynh. Rằng là rút gọn được số buổi thi, đỡ việc tổ chức cho các trường đại học. Rằng là thi trắc nghiệm thì đảm bảo khách quan, chính xác hơn trong đánh giá… Khoan hãy bàn những điều ấy có thật đúng không.

Chỉ cần trả lời cho trúng, cho thật nghiêm túc câu hỏi then chốt “Thi để làm gì ?” thì sẽ thấy sự lạc hướng, sẽ thấy không ít hạn chế, bất cập mà thực tế các em học sinh, các trường đại học đã gặp, đã chịu và rồi còn sẽ chịu từ cách thi cử này.


Hãy dành cho các trường, các nhóm trường đại học tổ chức thi tuyển sinh theo các đợt khác nhau trong năm.

Hãy dành cho các trường, các nhóm trường đại học tổ chức thi tuyển sinh theo các đợt khác nhau trong năm.

Hãy để các địa phương tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp

Ngay từ đầu, nhiều người đã phản đối phương thức tổ chức thi “hai trong một” và theo tôi, đó là sự phản đối đúng. Đã đúng và vẫn đúng. Tại sao hai kì thi (tốt nghiệp THPT và Đại học) mang tính chất, có mục đích khác hẳn nhau mà đập nhập làm một?.

Một đằng là mặt bằng sàn để kết thúc quá trình học phổ thông có tính đại trà. Một đằng là hướng chuyên môn, hướng nghề nghiệp để theo đuổi, để lập nghiệp cả đời mang tính chuyên biệt.

Liệu có thể ra một đề thi để làm sao tuyệt đại đa số học sinh ở nhiều vùng miền với những điều kiện học tập rất khác nhau đều làm được để có bằng tổt nghiệp (kết quả thấp thì sợ bị đánh giá là giáo dục xuống cấp!) lại vừa phân hóa cao nhằm chọn chính xác các em vào các trường Đại học, Cao đẳng vốn đa dạng về nội dung, mục đích đào tạo?.

Công thức 60% nội dung thi ở mức độ để tốt nghiệp, 40% nội dung thi để phân hóa chọn vào đại học chỉ là một cách nói, cách chia có vẻ khoa học song chắc nhiều người làm chuyên môn trong giáo dục không khỏi băn khoăn, thậm chí thấy buồn cười, nhất là với các môn thuộc khoa học xã hội.

Tổ chức một kì thi toàn quốc, đem cán bộ các trường đại học về cùng xem thi với từng địa phương mà chỉ để loại vài phần trăm học sinh không được tốt nghiệp rồi tất cả các trường đại học phải dựa vào kết quả đó mà tuyển sinh, liệu có cần thiết không, liệu có hợp lí không.

Đề cao tính tự chủ của các trường đại học, sao không để cho các trường tổ chức tuyển sinh để chọn người học đúng với đặc thù chuyên môn, nghề nghiệp mình đào tạo.

Hãy để các địa phương tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp nhẹ nhàng thôi (thành tích vẫn đảm bảo tỉ lệ cao ngất ngưởng!). Hãy dành cho các trường, các nhóm trường đại học tổ chức thi tuyển sinh theo các đợt khác nhau trong năm. Một học sinh đã tốt nghiệp vẫn có thể thi đại học hai, ba lần trong năm.

Mục đích tối thượng của thi cử là đánh giá, lựa chọn chính xác

Chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, sự đánh giá sẽ khách quan hơn bởi khó có sự can thiệp, thêm thắt của con người. Điều ấy đúng. Nhưng đó là chấm chính xác cái bài ấy chứ không hẳn là đánh giá chính xác thí sinh ấy. Hạn chế của thi trắc nghiệm như thế nào, nhiều người đã phân tích.

Có nên thi trắc nghiệm hầu như tất cả các môn (trừ môn Văn) như thế không. Trong một môn thi, tỉ lệ trắc nghiệm chỉ nên là bao nhiêu. Đó là điều rất đáng cân nhắc, chỉnh sửa.

Ở đây, xin bàn một chút về chuyện chấm thi. Năm ngoái (2016), các môn Toán, Lịch sử, Địa lí chưa thi trắc nghiệm và các trường đại học chấm thi cho từng vùng thí sinh, cơ bản cho vùng, tỉnh địa phương mình.

Bởi thế, ngoài hai trung tâm lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, điểm của nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, tăng lên khá cao. Thực tế nhiều ngành, nhiều trường tốp trên, hạng “ngon lành” phần lớn thí sinh trúng tuyển thuộc tỉnh này, vùng nọ.

Điểm đầu vào cao song thực chất học lực, tư duy đâu được như thế. Giảng viên của nhiều trường đại học đang “lãnh đủ” tình trạng này. Năm nay, do nhiều nguyên nhân (các môn trên chuyển sang thi trắc nghiệm, đề thi nhìn chung dễ, tổ chức thi hẳn theo từng trường, cụm trường ở địa phương tất sẽ “dễ thở” hơn, vẫn giữ chế độ cộng điểm ưu tiên như cũ) nên điểm thi cao vọt lên hẳn.

Cùng với nhiều nguyên nhân, vẫn còn nguyên nhân ở cách tổ chức chấm thi vốn là nguyên nhân chính của chuyện điểm cao năm ngoái. Tôi chấm cho học sinh của địa phương tôi để đi ra đua tranh với thiên hạ, biết chấm cho trường nào, thế thì dại gì mà “chặt”, mà không “cơi nới” điểm cho con em địa phương mình mở mày mở mặt.

Cần nói thẳng một sự thật rằng người chấm thi chỉ cho thật “chuẩn” khi biết là đang chấm cho trường mình, đang chọn đối tượng mình trực tiếp chịu trách nhiệm đào tạo. Tất nhiên, không phải ai cũng thế song đó là tâm lí thường tình của số đông, là thực tế không thể bỏ lơ.

Nếu cứ thi trắc nghiệm kiểu này sẽ không đánh giá chính xác thí sinh. Nếu không thi trắc nghiệm mà cứ tổ chức chấm thi như đôi năm nay thì cũng chẳng có kết quả chính xác. Trong chấm thi, cứ càng nhiều nơi chấm, càng nhiều người chấm thì số vênh càng nhiều, độ vênh càng lớn.

Việt Nam mình vốn thi thế nào, học thế ấy. Để có con người có tính chủ động, có kỹ năng tư duy, lập luận, biết phản biện… cần thi theo phương thức nào, có nên trắc nghiệm cả không?. Để mỗi trường, mỗi ngành đại học chọn đúng người học có năng lực, sở trường, lòng yêu thích phù hợp…có nên thi “hai trong một” không, để các em có kết quả rồi thì mới đăng kí nguyện vọng như thế có hợp lí không?

Tôi không hiểu sao một số vị lãnh đạo ở các địa phương muốn rằng cứ thi như thế này bởi nếu thay đổi thì sẽ gây khó cho học sinh và giáo viên, gây khó cho địa phương. Nếu để các trường đại học tự tuyển sinh thì địa phương khó cái gì ?.

Mục đích tối thượng của thi cử là đánh giá, lựa chọn chính xác ở mức cao nhất có thể. Vì thế, không nên lấy việc giảm buổi thi, giảm tốn kém đi lại, giảm áp lực cho thí sinh (thật ra các em chẳng được giảm đâu vì vẫn phải ôn, thi 6 môn gồm Văn, Toán, Ngoại ngữ và 3 môn nằm trong tổ hợp hoặc Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội) làm “thắng lợi”.

Chắc rằng các phụ huynh, các em học sinh sẵn sàng chịu tốn kém, chịu vất vả hơn một chút để được chủ động “thi đấu” sòng phẳng vào ngành học, trường học mà mình có sở trường và yêu thích bởi đó là chuyện tương lai của cả cuộc đời.

PGS.TS Lê Quang Hưng

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Để tổ chức tốt hơn kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học trong năm tới, độc giả có ý kiến góp ý xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm