Thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung: Có đủ nguồn lực để đầu tư và thành công?

(Dân trí) - Có nên học thêm các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh? Chúng ta có nguồn lực dư thừa để đầu tư triển khai đề án? Nhu cầu học của học sinh liệu có đủ để sự đầu tư này thành công?

Bằng việc trả lời 3 luận điểm trên, Đỗ Liên Quang (tốt nghiệp ĐH Duke, Mỹ) nhận định, đề án thí điểm tiếng Nga và tiếng Trung như ngôn ngữ thứ nhất ở thời điểm này không phải là một sự đầu tư mang lại nhiều lợi ích.

Chàng trai Việt Đỗ Liên Quang từng giành học bổng toàn phần Các Trường Liên kết Thế giới (UWC) Hà Lan năm lớp 11 và sau đó, trúng tuyển vào 6 trường ĐH hàng đầu Hoa Kỳ. Đỗ Liên Quang vừa tốt nghiệp cử nhân ngành Não bộ học, trường Đại học Duke danh tiếng.


Đỗ Liên Quang, tốt nghiệp Đại học ngành Khoa học não bộ tại Đại học Duke, Hoa Kỳ.

Đỗ Liên Quang, tốt nghiệp Đại học ngành Khoa học não bộ tại Đại học Duke, Hoa Kỳ.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về đề án thí điểm tiếng Nga và tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 3 tại Việt Nam, Quang bày tỏ: “Tôi nghĩ là mình hiểu tại sao giáo sư Châu khuyến khích việc để học sinh học các ngôn ngữ khác mà không nhất thiết phải tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi vẫn không ủng hộ Bộ GD&ĐT giới thiệu tiếng Nga và Trung vào làm ngôn ngữ thứ nhất”.

Học tốt nhiều ngôn ngữ giúp chúng ta thông minh hơn

Đỗ Liên Quang ủng hộ suy nghĩ khuyến khích học sinh học thêm ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh vì 3 lí do.

Thứ nhất, khi nói biết tiếng Anh là đủ để sống bất cứ đâu trên thế giới, có một phần không đúng. Biết tiếng Anh, bạn có thể kinh doanh, giao tiếp hàng ngày, gọi đồ ăn, ký văn bản, ký hoá đơn; nhưng chỉ biết tiếng Anh thôi sẽ không đủ để hoà nhập và hiểu được những nền văn hoá không nói tiếng Anh.

Ngôn ngữ là một phần của văn hoá. Có rất nhiều những yếu tố đời sống hàng ngày và những từ ngữ của một văn hoá bản địa mà không thể dịch sang tiếng Anh được. Bạn nói tiếng Anh và đi tới một nước nam Mỹ nơi nói tiếng Tây Ban Nha, không ai coi bạn như một người của họ. Họ sẽ xem bạn là khách du lịch. Vì thế, nếu muốn thực sự “ngâm mình” vào một nền văn hoá, hãy học ngôn ngữ của văn hoá đó.

Thứ hai, rất nhiều các nghiên cứu não bộ chỉ ra rằng học nhiều ngôn ngữ tốt cho sự hoạt động và suy nghĩ của não bộ. Học sinh học và có khả năng nói nhiều ngôn ngữ được cho thấy khả năng suy nghĩ đa chiều và giải quyết vấn đề được cải thiện đáng kể. Điều này không khó hiểu. Khi chúng ta học một điều mới và lạ lẫm, các liên kết của tế bào não sẽ tăng lên, giúp thông minh hơn.

Thứ ba, chúng ta học ngôn ngữ để cảm nhận cái đẹp, cái hay, cái thú vị của nó. Mỗi ngôn ngữ, dù là tiếng gì đi nữa, đều có một điểm đặc biệt của riêng nó. Ngôn ngữ dẫn đường cho chúng ta hiểu thêm về cách suy nghĩ của một dân số, sự liên kết với lịch sử và văn hoá của dân số đó. Học để khám phá, vì thế tôi khuyến khích học sinh nên học thêm ngôn ngữ mà mình thích, mình tò mò, dù là tiếng gì đi nữa.

Do đó, Đỗ Liên Quang ủng hộ học thêm ngôn ngữ ngoài tiếng Anh. Thực tế, khi học đại học, Quang học thêm tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung; hiện giờ Quang vẫn đang luyện tập 2 thứ tiếng này với lí do học tiếng Tây Ban Nha vì thích, và tiếng Trung để chuẩn bị bản thân cho quá trình toàn cầu hoá mà Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn.

“Dù vậy, tôi không ủng hộ việc Bộ Giáo dục đưa tiếng Trung và Nga vào làm ngôn ngữ thứ nhất, vì tôi không nghĩ là lợi ích nó mang lại sẽ tương xứng với sự đầu tư bỏ ra (ROI - return on investment)”, Quang nói.

Để lý giải quan điểm của mình, Đỗ Liên Quang đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi.Thứ nhất, chúng ta có nguồn lực dư thừa để đầu tư? Thứ hai, sao chúng ta có thể chắc chắn là đủ nhu cầu để sự đầu tư này thành công?

Chúng ta có nguồn lực dư thừa để đầu tư?

Mặc dù đề án này nói rằng việc học tiếng Trung và Nga như ngôn ngữ thứ nhất không phải quy định cứng, tức là địa phương nào thấy ngôn ngữ nào phù hợp thì chọn ngôn ngữ đó (1 trong 4 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung), việc giới thiệu hai ngôn ngữ mới này vào hệ ngôn ngữ thứ nhất đòi hỏi những sự đầu tư nhất định. Giáo viên có khả năng dạy, giáo trình dạy, phân bổ thời gian biểu, biên soạn sách? Những tài nguyên này yêu cầu thời gian và sức lực để nghiên cứu và xây dựng.

Có lẽ lý do lớn nhất mà nhiều người không ủng hộ đề án này là vì chúng ta chưa có đủ lòng tin ở những người làm giáo dục (những nhà đầu tư tiền của của phụ huynh và học sinh).

Điển hình, tiếng Anh học bao nhiêu năm, học xong cả đại học mà ra trường vẫn không thể giao tiếp cơ bản, chẳng phải là một sự đầu tư thất bại? Vì thế, thay vì đầu tư thêm vào những cái mới, màu mè, tôi nghĩ việc quan trọng hơn là sử dụng nguồn nhân lực, chất xám mà Bộ có để cải thiện chương trình học hiện tại, trong đó có tiếng Anh.

Cho tới khi học sinh Việt Nam không phải học quá tải, mà có thể học sáng tạo, có thời gian để thể thao, nghệ thuật, theo đuổi đam mê, khi đó hãy xây dựng những giáo trình tiếng Trung, tiếng Nga. Hay tiếng gì cũng được, nhưng hãy làm một cái cho tốt đã. Dốc nguồn lực xây dựng xong đề án mà học sinh không muốn học thì thế nào?

Thứ hai, sao chúng ta có thể chắc chắn là đủ nhu cầu để sự đầu tư này thành công? Nếu đầu tư, xây dựng xong hết rồi mà học sinh không muốn/ thích học, thì những thứ đã đầu tư (giáo viên) sẽ để làm gì?

Tôi nghĩ, nếu thực sự có nhu cầu cho tiếng Nga, tiếng Trung, hẳn sẽ tự động có cung ứng từ các cá nhân, trung tâm mở ra. Hiện tại tôi chỉ thấy các trung tâm tiếng Anh, chứ chưa thấy nhiều trung tâm những tiếng khác, cho thấy nhu cầu của số đông là tiếng Anh. Còn nếu Bộ Giáo dục muốn thiết kế giáo trình dạy tiếng Trung, tiếng Nga trong trường để học sinh không phải đi học trung tâm thì có lẽ hơi buồn cười.

Học sinh đi học trung tâm hình như nói và viết tốt hơn học từ trong trường. Để học sinh có lợi từ học trong trường học, dù là tiếng gì đi nữa, thì đầu tư cải cách và làm mới những gì đang có - tiếng Anh là điều hãy làm trước.

Đầu tư cẩn thận…

“Việc học các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh là điều tốt. Nhưng đầu tư vào tiếng Nga, tiếng Trung bây giờ có lẽ không phải là một sự đầu tư mang lại lợi ích nhiều cho học sinh và phụ huynh.

Thêm nữa, dù thích hay không, chúng ta vẫn không thể chối cãi rằng dạy và học tốt tiếng Anh vẫn là điều cơ bản cần làm trước. Có thể chúng ta cần/thích học tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ toàn cầu. Có thể vì những sáng tạo và phát triển khoa học vĩ đại thường gắn liền với tiếng Anh. Hoặc cũng có thể như giáo sư Ngô Bảo Châu nói, chúng ta học tiếng anh vì nước Mỹ, nước Anh giàu có. Điều này không có gì sai cả.

Xét cho cùng, chúng ta muốn học từ những thứ tiến bộ, phát triển từ một nền kinh tế sáng tạo, chứ không phải từ một nền kinh tế sao chép”, Đỗ Liên Quang bày tỏ.

Lệ Thu (ghi)