Sẽ xảy ra hiện tượng "lách" luật nếu để trường ĐH tự phong giáo sư

(Dân trí) - “Việc ĐH tự phong GS,PGS nên áp dụng ở Việt Nam vào thời điểm nào, khi nào, và như thế nào là việc cần phải bàn kỹ. Học theo cách làm quốc tế nhưng xin nhớ rằng cũng phải theo các chuẩn mực khoa học quốc tế, nếu không, sẽ gây "loạn", sẽ xảy ra hiện tượng "lách" luật”

Đó là ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của Đại học QGHN, Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Cơ học khi trao đổi với PV Dân trí về việc trường ĐH tự phong giáo sư, phó giáo sư.

Sẽ xảy ra hiện tượng "lách" luật nếu để trường ĐH tự phong giáo sư - 1

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Trường tự phong GS,PGS: Đáng trân trọng và vinh danh nếu…

Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang thực hiện việc tự phong GS, PGS theo quyền tự chủ mà trường lý giải. Lãnh đạo cơ quan quản lý cho rằng như vậy không có tính pháp lý. Theo GS, đứng về mặt tự chủ đại học điều này có đúng không?

Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS)  là các chức danh khoa học cao quý của các nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, đã được khẳng định và quy định trong Luật giáo dục đại học. Định nghĩa và tiêu chuẩn, nội hàm của các chức danh này đã được Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điều 1.2 của QĐ 174/2008/QĐ-TTg ban hành "Quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS" đã quy định: "Quy định này được áp dụng đối với nhà giáo đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ (gọi chung là từ trình độ đại học trở lên) ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”.

Theo tôi hiểu, Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ giao quyền tự chủ cho trường ĐH Tôn Đức Thắng là tự chủ trong “tuyển chọn, bổ nhiệm và sử dụng” cán bộ khoa học, chứ không tự chủ trong việc bổ nhiệm các chức danh GS, PGS.

Việc bổ nhiệm các chức danh này ở các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam phải được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Vì vậy, quan điểm của cá nhân tôi, việc trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện việc tự phong GS, PGS mà không căn cứ theo theo các quy định hiện hành của Nhà nước, là đang thực hiện trái với Luật Pháp và Quy định của Nhà nước Việt Nam.

Nhưng nếu trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện quy trình sau: công bố tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh GS,PGS của trường, với điều kiện là chỉ chọn trong số các ứng viên đã được Hội đồng chức danh GS Nhà nước công nhận đạt chuẩn, hoặc là người Việt Nam, người nước ngoài đã được ĐH có uy tín ở nước ngoài công nhận GS, PGS.

Sau đó ĐH Tôn Đức Thắng đặt thêm các yêu cầu, tiêu chí cao hơn, sát hơn với các chuẩn quốc tế để bổ nhiệm các chức danh này cho trường mình, thì trường đã thực hiện đúng quyền tự chủ của mình, và là việc làm hoàn toàn hợp pháp, đáng trân trọng và vinh danh.

Hoặc có thể thực hiện quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo cách khác: ĐH Tôn Đức Thắng có thể xây dựng Đề án, có tờ trình TTCP, Bộ GD ĐT, HĐCDGSNN, nêu rõ Trường đã bảo đảm đủ các điều kiện chất lượng khoa học (đối chiếu với các tiêu chuẩn của HĐCDGSNN) và chỉ được triển khai khi Đề án đã được thẩm định và được phép. Có như vậy, theo tôi, mới là thực hiện đúng quyền tự chủ đại học trong khuôn khổ các quy định của Nhà nước về vấn đề này.

GS,PGS phải được giới học thuật trong nước và quốc tế thừa nhận, nhà trường và xã hội tôn vinh

Có nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, sáng kiến của ĐH Tôn Đức Thắng là phù hợp với qui trình bổ nhiệm giáo sư của các đại học trên thế giới nhưng thực hiện ngay thời điểm này với chất lượng GD ĐH Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế là chưa phù hợp. Còn ý kiến của ông thế nào?

Việc các trường ĐH tự xây dựng các tiêu chí và bổ nhiệm PGS, GS khá phổ biến ở các nước (tuy nhiên không phải ở tất cả các nước, và vẫn có một ủy ban hay hội đồng để bảo đảm mặt bằng chất lượng và uy tín quốc gia, như Pháp, Nga, Ba Lan, Hungary, ...), nhưng đều có một điểm chung là các ứng viên đều phải trải qua một quy trình xem xét với các tiêu chí rất chặt chẽ. Thậm chí một số trường đại học chỉ tuyển 1-2 vị trí giáo sư trong một lĩnh vực chuyên ngành và không bổ nhiệm thêm.

Các trường đại học có đẳng cấp, có thứ hạng cao trên thế giới, việc xét tuyển GS, PGS càng khó. Nhưng, dù có khác biệt thế nào chăng nữa, thì điểm chung nhất mà tôi thấy là bất cứ quốc gia nào, trường đại học nào có uy tín trên thế giới, thì GS, PGS là chức danh của nhà giáo trong các trường đại học, phải đạt được những tiêu chí về khoa học và giáo dục rất cao, và được giới học thuật trong nước và quốc tế thừa nhận, nhà trường và xã hội tôn vinh. Trên thế giới cũng không có tiền lệ trường đại học này lại công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho một trường đại học khác.

Cũng cần phải nhấn mạnh là ở rất nhiều nước tiên tiến, rất nhiều trường tư, không phải trường công lập, lại có uy tín và xếp hạng rất cao, thậm chí cao hơn nhiều trường công lập. Nhưng cũng tồn tại một thực tế là, ngay cả ở một số nước tiên tiến, có một số ít trường đại học, do tư nhân hoặc các tổ chức xã hội thành lập, chưa có uy tín và tên tuổi, chưa được kiểm định chất lượng, thực hiện việc đào tạo và cấp bằng TS, bổ nhiệm và phong các chức danh GS, PGS với các tiêu chí yêu cầu về học thuật và giảng dạy không cao, không chặt chẽ.

Vì vậy, ở nước ngoài, các TS, PGS, GS thông thường khi trao đổi học thuật và giới thiệu còn nói rõ đạt học vị TS ở đâu, được bổ nhiệm PGS, GS ở trường nào, vừa là giới thiệu thực chất, và là, theo tôi hiểu, cũng còn là có ý để tránh hiểu lầm với những “danh hiệu” TS, GS, PGS không mấy thực chất như của một số ít các trường đại học kia.

Vì vậy, khi chúng ta tiếp thu kinh nghiệm và thông lệ của các nước tiên tiến, trao quyền tự chủ cho các trường đại học, phải có sự chọn lọc, hiểu đúng bản chất, và cần có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, nhất là văn bằng, chức danh. Đặc biệt khi ở Việt Nam, văn bằng và những chức danh GS, PGS được quy định bởi Luật và được xác định bởi các tiêu chí, quy trình thống nhất do Nhà nước ban hành.

Chính vì có thực tế như vậy, nên năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu tất cả các văn bằng (ĐH, ThS, TS) của các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài phải làm tục xác nhận văn bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là một quyết định đúng, kịp thời và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, Quyết định 174 của Thủ tướng chính phủ đã cho phép “Nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hoặc đã được bổ nhiệm làm GS, PGS tại một cơ sở GDĐH nước ngoài có nguyện vọng được bổ nhiệm chức danh GS, PGS có thể nộp hồ sơ đăng ký xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại một cơ sở GDĐH”.

Trong những năm qua, những GS xuất sắc như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn và Nguyễn Ngọc Thành đã được HĐCDGSNN công nhận đặc cách GS Việt Nam. Đây đều là những trường hợp vô cùng xứng đáng, họ đều là các nhà khoa học nổi tiếng, có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, và đều đã được công nhận GS tại các trường đại học danh giá của nước ngoài.

Năm 2012, Thủ tướng đã ban han hành Quyết định 20 cho phép các đơn vị đào tạo có thể xem xét bổ nhiệm những trường hợp có chức danh GS, PGS được phong ở nước ngoài vào các chức danh này ở Việt Nam.

Nhưng nếu khi trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, mà không có sự thẩm định chặt chẽ, rất dễ bổ nhiệm “nhầm” một số ít những trường hợp thiếu chất lượng, thậm chí là kém chất lượng vào hệ thống chức danh GS, PGS của Việt Nam.

Vì vậy, tôi cũng kiến nghị với Hội đồng chức danh GS Nhà nước nên rà soát lại những trường hợp này do các cơ sở giáo dục đào tạo đã bổ nhiệm, đồng thời xem xét, kiến nghị Thủ tướng sửa đổi quy định về việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS với những trường hợp đã được bổ nhiệm các chức danh này tại một cơ sở GDĐH nước ngoài, khi về nước bổ nhiệm chức danh tương đương tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, cần có sự thẩm định và quy định xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn.

 


Muốn học theo cách làm quốc tế về ĐH tự phong GS,PGS nhưng xin nhớ rằng cũng phải theo các chuẩn mực khoa học quốc tế, nếu không, sẽ gây loạn, sẽ xảy ra hiện tượng lách luật. (Ảnh: minh họa)

Muốn học theo cách làm quốc tế về ĐH tự phong GS,PGS nhưng xin nhớ rằng cũng phải theo các chuẩn mực khoa học quốc tế, nếu không, sẽ gây "loạn", sẽ xảy ra hiện tượng "lách" luật. (Ảnh: minh họa)

Cần đạt chuẩn “sàn” của Hội đồng chức danh GS Nhà nước

Có ý kiến về vấn đề này mà tôi thấy tâm đắc là chúng ta nên đặt ra “ngưỡng”, trường đại học nên lọt vào tốp 1000 trên thế giới thì hãy tự phong Giáo sư, Phó giáo sư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trên thực tế ở Việt nam hiện nay, Quyết định 20 của Thủ tướng đã giao quyền bổ nhiệm các chức danh GS, PGS cho các cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy sau khi Hội đồng chức danh GS Nhà nước công bố đạt tiêu chuẩn GS, PGS, các trường hoàn toàn có thể công bố các tiêu chí tuyển chọn các ứng viên sau khi đã đạt chuẩn xem như “sàn” của Hội đồng chức danh GS Nhà nước, đề ra các tiêu chí cao hơn, để chọn và thu hút nhân tài, bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS của đơn vị mình. Đây là việc rất nên làm, phù hợp với tự chủ của các trường đại học và thông lệ thế giới (các trường khác nhau, tiêu chí bổ nhiệm GS, PGS khác nhau).

Vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm này ở chỗ là chỉ khi giáo dục đại học Việt Nam của chúng ta hội nhập với thế giới, các trường đại học của chúng ta được kiểm định và xếp hạng theo các tiêu chí của các trường đại học trên thế giới và đạt đến một mức xếp hạng nhất định, chúng ta mới có đủ cơ sở tin cậy để bỏ qua “ sàn” tiêu chuẩn của Hội đồng chức danh GS Nhà nước, để các trường đại học tự chủ hoàn toàn trong việc phong GS, PGS như ở nước ngoài.

Đương nhiên để làm được như vậy phải có một quá trình từng bước: Xây dựng đề cương, quy trình thực hiện, một số ít trường đạt tiêu chuẩn đi trước, ... Còn đạt tới top 1000, hay 1500, hay 2000, thì tôi chưa có đầy đủ thông tin, nên cần phải nghiên cứu để cân nhắc và thảo luận thêm trước khi đưa ra con số cụ thể.

Nhiều ý kiến lo ngại, nếu cho các trường ĐH ở Việt Nam tự phong GS,PGS sẽ gây “loạn” GS,PGS vì sẽ lẫn lộn giữa GS, PGS Nhà nước phong với trường tự phong, còn ông nghĩ sao?

Đúng thế, với tình hình hiện tại, nếu để các trường đại học tự phong, mà không có một chuẩn “sàn” nào của quốc gia, như chuẩn của Hội đồng chức danh GS Nhà nước chẳng hạn, thì tôi cho là sẽ dẫn đến tình trạng như vậy.

Như tôi đã phân tích ở trên, ý kiến của một số chuyên gia giáo dục đề nghị nên trao quyền tự chủ cho các trường bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo như thông lệ và tiêu chuẩn của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, là có căn cứ, là xu hướng tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, nên áp dụng ở Việt Nam vào thời điểm nào, khi nào, và như thế nào là việc cần phải bàn kỹ. Học theo cách làm quốc tế nhưng xin nhớ rằng cũng phải theo các chuẩn mực khoa học quốc tế, nếu không, sẽ gây "loạn", sẽ xảy ra hiện tượng "lách" luật.

Chúng ta học tập những kinh nghiệm hay của thế giới, nhưng trước khi áp dụng cũng cần đánh giá đúng thực trạng của chúng ta hiện nay so với thế giới, và phải biết đến cả những cá biệt trên thế giới, rất ít, nhưng đã có những trường đại học chưa được kiểm định chất lượng, chất lượng kém, phong GS, PGS, cấp bằng TS một cách tùy tiện, thiếu chất lượng.

Ở những nước tiên tiến, sự cạnh tranh và phân biệt chuẩn của các chức danh này rất cao, là sự đào thải tự nhiên, nên sự xem xét phong các chức danh này gắn với sự phân biệt cao trong việc làm, đãi ngộ và uy tín của từng trường cũng như từng cá nhân.

Bản chất của việc bổ nhiệm chức danh GS và PGS là dựa vào năng lực, công hiến và những kết quả thực chất trong nghiên cứu và đào tạo đại học và sau đại học để đánh giá, phân loại, phân biệt để giao nhiệm vụ, tôn vinh và đãi ngộ phù hợp.

Trong khi ở Việt Nam, tình hình chung là chúng ta chưa có sự phân tầng và xếp hạng đại học, chưa nói đến việc các trường đại học phải được kiểm định và xếp hạng theo tiêu chí đánh giá chất lượng của thế giới, vì vậy, không cẩn thận thì dẫn nến tùy tiện, dễ dãi, không đảm bảo chất lượng, cho nên mới có Hội đồng chức danh cơ sở, hội đồng ngành và Hội đồng Giáo sư Nhà nước để xác định từng trường hợp đạt chuẩn hay không đạt chuẩn.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn, mới giao cho các trường đại học bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Vì vậy, việc áp dụng ngay theo mô hình tự chủ, giao cho các trường tự xét và công nhận chuẩn GS, PGS mà bỏ qua “chuẩn” của Nhà nước ngay tại thời điểm hiện tại là chưa phù hợp ở Việt Nam, nhất là khi các tiêu chí đó lại thấp hơn các tiêu chí của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, là một việc làm càng không nên.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Hồng Hạnh (thực hiện)

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)