Phụ huynh cần làm gì để hạn chế bạo lực học đường?

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây, báo chí đưa tin về những vụ học trò đánh đập nhau như kẻ thù, hạ nhục bạn bè bằng cách bắt quỳ gối để đấm đá, tát, chửi rủa và quay clip phát trên mạng xã hội. Tôi cảm thấy thực sự xót xa cho các em là nạn nhân vụ ẩu đả, dù phía sau câu chuyện bạo lực này chắc chắn có những nguyên nhân như mâu thuẫn, cãi vã hoặc ghen tức nhau.

Dù bất cứ lý do gì nhưng việc quây nhau đánh hội đồng, hạ nhục bạn bè là việc không thể chấp nhận. Những em bị đánh phải gánh chịu tổn thương tâm lý nặng nề, luôn sống trong cảm giác lo lắng sợ hãi, mặc cảm với bạn bè và mọi người xung quanh. Để gượng dậy sau cú sốc tinh thần này các em phải mất rất nhiều thời gian với sự cảm thông chia sẻ đặc biệt từ gia đình, thầy cô và bạn bè thân thiết. Liệu các em có dám mở lòng hay chỉ lặng lẽ trong nỗi đau của bản thân, các em sẽ mất đi niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những nạn nhân tuổi học trò sẽ sống cảnh giác, hoài nghi và tuyệt vọng, những chấn động tâm lý ám ảnh lâu dài ảnh hưởng đến suốt quãng đường cắp sách.

Tôi cảm thấy xót xa biết bao khi vừa đọc bài báo viết về em học sinh lớp 8 ở trường THCS Âu Lâu (Yên Bái) từng bị phụ huynh của bạn đánh đập, phụ huynh huy động cả một nhóm thanh niên chặn em trên đường đi học về để đánh đấm, bắt quỳ lạy van xin trước mặt rất nhiều người. Nhiều học sinh xúm vào xem, hò reo, giơ điện thoại quay clip và chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Ngày 19/9/2016 em bị đánh đập, gia đình thấy em hoảng loạn đã kịp thời đưa em xuống bệnh viện đa khoa Yên Bái để điều trị và theo dõi một tuần. Về nhà, em lên mạng và xem được clip quay mình bị đánh. Ngày 25/9, khi mẹ đi vắng em đã treo cổ tự tử dưới bếp. Thật đau xót biết bao, gia đình đã mất con một cách oan uổng và cay đắng.

Một bộ phận học sinh bây giờ lấy bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và coi hành động đó là anh hùng trong mắt bạn bè nhằm đe nẹt, bắt bạn bè phải tuân theo ý thích của mình. Các em lao vào đánh bạn chỉ vì thấy ngứa mắt, đánh cho bõ ghét hoặc chỉ vì tức giận một lời bình luận trên Facebook là sẵn sàng "xử" bạn. Là một người mẹ, tôi cảm thấy thật bất an khi con mình tới trường, phải dạy con điều gì để con không vướng vào cảnh bị bạn bè trấn áp, đánh đập?

Mặc dù con mới học tiểu học nhưng tôi cũng không ngần ngại kể những tình huống xấu cho con, dạy con cách hành xử. Con chơi với các bạn, nhiều khi tranh giành đồ chơi hoặc tranh cãi chuyện gì đó, con cũng hiếu chiến lao vào đánh bạn, tôi đều nghiêm khắc nhắc nhở, chấn chỉnh. Tôi cũng thường xem lại cách mình đối xử với con xem có ổn thỏa không, vì có những lúc con ham chơi quên mất việc mẹ giao, tôi cũng hay nóng giận quát mắng và dùng roi vọt với con. Nếu mình không thể đối xử ôn hòa với con thì con cũng dễ nhiễm thói xấu từ cha mẹ đó là "không đúng ý thì phải ăn đòn" khi ra ngoài giao tiếp với bạn bè.

Tôi cũng nói rõ những hình phạt từ chuyện học sinh đánh nhau cho con biết như bị hạ hạnh kiểm, nhắc nhở trước toàn trường khiến bố mẹ xấu hổ, con sẽ ảnh hưởng tới quá trình đi học như bạn bè e ngại, xa lánh. Tôi luôn nói với con "đánh bạn là rất xấu, có gì khúc mắc với các bạn, con hãy nói cho bố mẹ biết, đi học nếu bạn bè hay anh chị nào bắt nạt con, con phải kể cho bố mẹ biết hoặc báo cho cô giáo chứ không nên đánh nhau".

Khi con còn bé, tôi luôn bảo ban, nhắc nhở, nhưng tôi e rằng đến lúc học cấp 2, cấp 3 thì con gần như vượt khỏi vòng kiểm soát của bố mẹ. Các em có những mâu thuẫn bạn bè mà người lớn xem như không có chuyện gì nhưng với các em lại là chuyện nghiêm trọng như bị bạn chê bai, nói xấu, bị bạn bè cô lập... nên giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Câu chuyện bạo lực học đường vẫn còn đó, căng thẳng, nhức nhối và đau xót...

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm